Thu gọn mình vào góc nhỏ trong đêm tối. Buồn. Chán. Bất giác, tôi nhớ về ngày xưa, ngày của quá khứ. Ngừng lại một chút để bản thân mình cảm nhận những gì đã qua. Nỗi nhớ nhà dâng lên cuồn cuộn và da diết của một đứa con xa quê. Vang văng vẳng bên tai: “Dậy đi, muộn rồi...
Khoảng lặng
Tôi luôn tự hỏi, sắp đặt để cuộc sống này phức tạp, phải chăng là sự trêu đùa mà tọa hóa gieo lên cuộc đời của những người có số phận nghiệt ngã như tôi. Tôi năm nay đã 20 tuổi, cái tuổi to tướng, cái tuổi biết tự lo cho bản thân, xa hơn nữa là gia đình… và cũng là cái tuổi chạm đến mùi vị của cuộc sống. Nhịp sống hối hả, ồn ào, năng động của hiện tại đã vô tình cuốn tâm hồn non nớt của tôi trôi đi theo dòng chảy bất tận mang tên thời gian. Và ngày hôm nay, bình yên, tĩnh lặng, tôi chợt nhận ra mình đã đổi thay. Thu gọn mình vào góc nhỏ trong đêm tối. Buồn. Chán. Bất giác, tôi nhớ về ngày xưa, ngày của quá khứ. Ngừng lại một chút để bản thân mình cảm nhận những gì đã qua. Nỗi nhớ nhà dâng lên cuồn cuộn và da diết của một đứa con xa quê. Vang văng vẳng bên tai: “Dậy đi, muộn rồi. Hôm nay bà nấu cơm nếp cho cháu ăn rồi đấy!”… Cái ngày ấy cháu đâu có muốn ăn cơm nếp. Được bà gọi dậy sớm để chuẩn bị đi học mà cháu cũng gắt gỏng, tỏ vẻ không hài lòng. Giờ thì, cháu thèm biết bao miếng cơm nếp bà nấu. Và cháu muốn bà đánh thức cháu mỗi khi cháu ngủ quên. Nhưng 5 năm nay, những lời nói đó không còn nữa vì khoảng cách của hai bà cháu ta đã quá xa…
“Bà ơi! Cháu muốn ăn bánh rán!” - “Bánh rán nhiều mỡ lắm cháu, hay bà mua bánh giày nha!”. Lúc đó cháu rất bực mình vì không được ăn thứ mà mình thích. Lớn khôn rồi cháu mới hiểu, bà làm thế chỉ vì lo cho sức khỏe của cháu. Cháu tệ lắm phải không bà?

(Ảnh minh họa)
Cháu nhớ bà!
Cháu nhớ mỗi buổi chiều được cùng bà đi chùa, đi sang chơi với các cụ già trong làng… Nhớ nhất là cái ngày cháu đi xa biệt. Bà ra tận sân bay tiễn cháu. Lòng bồn chồn, nhìn về phía xa xăm, bóng dáng bà nhỏ bé, gầy gầy, xương xương nom đến tội. Hình ảnh người cha vẫy tay chào tạm biệt đứa con yêu dấu lên đường đi học. Người ông ngoại nở nụ cười rạng rỡ, tự hào về cô cháu gái. Tất cả, cháu không sao quên được. Trong giây phút đó, cháu nghẹn ngào không nói nên lời. Hi vọng cái ôm siết chặt sẽ cho bà và mọi người cảm thấy ấm lòng. Cảm xúc trào dâng. Cái giây phút huy hoàng đó đã qua. Giờ còn lại nơi đây với cháu chỉ là nỗi nhớ và sự nuối tiếc khôn nguôi.
Đặt chân tới miền đất mới, cháu hãnh diện và sáng ngời bên những đứa bạn cùng trang lứa. Nuôi trong lòng về một tương lai chói lóa. Hòa nhập với cuộc sống mới, cháu dần quên là mình còn có cội nguồn. Cuộc sống hiện tại đã làm một đứa trẻ ngây thơ, ngỗ nghịch, ngổ ngáo như cháu biến dạng: biết thế nào là dối trá, là lươn lẹo, là giả tạo… Cháu đã không còn là cháu, cháu đánh mất chính mình, phó mặc bản thân. Cái bộn bề, tất tưởi… cái ranh mãnh, ghê gớm… cái bề dày của sự giả tạo trong cuộc sống tẻ nhạt của cháu dưới con mắt của một con người càng khiến cháu tổn thương nặng nề. Cái cảm giác bị khinh thường, ghét bỏ cứ ám ảnh cháu mỗi ngày. Nhưng rồi, thời gian cứ vụt trôi, hay là cháu nghĩ mình chưa từng tồn tại… Sự chửi bới, mắng nhiếc đã làm chai lì tinh thần cháu, đã là thói quen của từng ngày, từng giờ. Mọi phiền muội đã thấm nhuần đến tận tim gan cháu. Trong lòng cháu lúc nào cũng nhói đau, đau cho hai chữ: thân phận. Những buồn bã, tủi nhục đã vón lại thành từng hòn, từng cục, ngự trị trong trái tim cháu.
Cháu sợ những trận đòn, những cái bạt tai đau đến chết điếng người. Cháu hãi hùng, lo lắng khi nhìn vào những cặp mắt hừng hực máu lửa, lạnh lùng của người thân trong gia đình mới mẻ này. Cháu khổ quá… nghiệt ngã quá. Có những cơn đau đớn tinh thần lẫn thể xác, cháu rất khó vượt qua, cháu muốn quên tất cả những chuyện đáng sợ đó xảy ra. Cháu không biết phải sống sao? Sống để làm gì nữa? Mục đích và ước mơ của cháu bị thất lạc, cháu không tìm thấy. Cháu gào khóc trong cơn đau khi nghĩ mình đã vô tình đánh mất nó. Và rồi cháu thất vọng tràn trề về bản thân. Sự nhục nhã đã xoáy sâu vào cuộc sống hiện tại của cháu. Cháu mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cháu bắt đầu lao vào những trò chơi, những nếp sống vô bổ. Hi vọng nó có thể làm thỏa mãn tinh thần bị tê liệt của cháu. Khi ngộ, cháu thấy bản thân mình đáng sợ đến nhường nào. Cháu rất muốn sống thật với bản thân, nhưng dường như có một vật cản nào ngăn bước chân cháu. Cháu muốn sống lại những tháng ngày cũ, để cháu được làm lại chính mình. Gào thét. Cháu muốn xé tan màn đêm u ám, lạnh lùng này để được về bên bàn tay âu yếm của bà.

(Ảnh minh họa)
Có những 5 mùa đông đã qua. Nó chẳng khác gì bóng ma băng giá, buốt lạnh thấu tim cháu. Cháu bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời xối xả, ngược xuôi. Mùa đông năm nay cũng vậy, chỉ mình cháu cô đơn trong căn phòng băng giá, lạnh toát này. Nhưng cái hơi lạnh của thời tiết dù có khắc nghiệt đến thế nào, thì chỉ cần nhìn thấy nụ cười tươi mát của bà cũng đủ để tim cháu nóng lên, vơi bớt sự trống trải. Dẫu biết rằng chỉ là những hơi ấm mong manh, nhưng cháu vẫn thỏa sức hạnh phúc.
“Cháu nhớ bà! Nhớ nhiều lắm! Nơi phương xa mong bà luôn bình an”.
Miên man nghĩ suy… Tôi thấy mình đang tồn tại. Đợi những vấp ngã sẽ qua đi và tôi sẽ làm lại từ đầu! Không… sẽ không là như vậy, không ai có thể tô vẽ thêm cho bức tranh quá khứ bớt đi những mảng màu u tối. Cuộc sống nào cho tôi làm lại từ đầu. “Bà! Cháu xin lỗi!”. Đôi khi, tôi khờ khạo. Đợi!!! Đợi những nỗi đau dằn vặt qua đi và ngày hôm qua của quá khứ trở lại. Đợi những dại khờ sẽ được người đời lãng quên, để tôi được sống như chưa bao giờ tồn tại… Tất cả đều nằm bên lề của sự thật.
Giờ thì tôi đã thấu, đã biết thế nào là những xô bồ của cuộc sống. Bỗng dưng tôi không muốn lớn. Vì giữa dòng đời ồn ã, ngược xuôi này, chỉ có mình tôi đứng chôn chân nơi vệ đường. Cái vỏ bọc gia đình chỉ cưu mang khi tôi còn thơ bé. Đúng vậy, cuộc đời không cho phép tôi sống lại một cuộc đời khác, mọi thứ vẫn còn đó mà sao không thể nào thay đổi. Để mang tôi trở về với quá khứ.
Thôi, nuôi hi vọng sẽ có ngày trở về. Làm ơn hãy cho tôi một điểm tựa nơi dương gian trần tục này. Kết thúc cho một “Khoảng lặng” buồn…
Sao Băng
(thep tạp chí Tuần tin Quê hương)