Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Đông Đô, đây Thăng Long,
đây Hà Nội.
Hà Nội mến yêu…

Đó là lời Bài ca Người Hà Nội của cố nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi được nhạc sỹ Văn Vượng chuyển soạn cho đàn guitar vào đầu những thập niên 70. Cách đây hơn 20 năm, tôi đang ngồi tại ký túc xá của nhà máy Giày thành phố Krivoirog chơi bản nhạc này thì một thanh niên trạc tuổi tôi bước vào lặng lẽ ngồi nghe chăm chú đến lạ lùng. Sau một vài lời giới thiệu chúng tôi quen nhau và được biết hắn cũng thích nghe guitar (chỉ thích nghe không thích chơi). Hắn tên là Ngô Huy Mường Thanh, một cái tên rất mán mèo, nhưng sau nghe Hắn kể lai lịch cái tên thì lại rất Hà Nội. Chả là khi mẹ hắn đang mang thai thì bố hắn chuẩn bị cho trận Mường Thanh - Điện Biên Phủ, nên viết thư về bảo nếu đẻ con trai thì đặt tên con là Mường Thanh để kỷ niệm trận đánh khốc liệt khi ấy, biết đâu một mai có không trở về thì có cái tên đó để mà nhớ. Hắn là người Hà Nội chính gốc. Do bản chất lười học, thích ngao du đây đó, không tiến thân được theo con đường học vấn như bố, nên gã bị gia đình tống sang bên này. Cùng có chung sở thích như thích ăn phở, đàn guitar và ngao du thiên hạ… tôi và Thanh thành đôi bạn thân. Sau này tôi được biết thêm là hắn rất thích thơ đặc biệt là thơ Hàn Mặc Tử. Có lần tôi hỏi:
- Mày là người Hà Nội có bài thơ nào hay nhất về Hà nội đọc nghe chơi.
Hắn cười nhăn nhở nói:
- Theo tao thơ về Hà nội thì nhiều vô kể, song chẳng có bài nào xuất chúng cả. Nhưng có những câu thơ về Hà Nội thì rất hay tuyệt cú mèo có thể nâng lên thành “Thần bút”.
Hắn tâm đắc nhất hai khổ thơ. Khổ thứ nhất của nhà thơ - chiến sỹ Huỳnh Văn Nghệ trích trong bài Nhớ Bác có câu: “Từ thủa mang Gươm đi mở cõi – Ngàn năm thương nhớ đất thăng long”. Khổ thứ hai của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây tiến: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới – Đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm”. Hắn còn bình giảng cho tôi về ý nghĩa hai khổ thơ trên hàng tiếng đồng hồ. Tôi phục hắn sát đất về khoản thơ phú. Tôi thấy hắn hơi bị được.
Tôi vẫn ở bên này, còn hắn đã về nước từ khi hết hiệp định vào Sài Gòn, đi theo các công trình sây dựng làm tư vấn giám sát. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thư từ qua lại với nhau. Cũng từ thằng bạn mà tôi có dịp về Việt nam lên nhà hắn chơi và được làm quen với bác Ngô Huy Giao - bố hắn. Bác làm kiến trúc sư có chân trong Hội kiến trúc Hà Nội. Năm 1996, bác cùng với một số kiến trúc sư yêu Hà Nội đang tập hợp chữ ký phản đối một số công trình xây dựng quanh hồ Hoàn Kiếm vì phá mất cảnh quan. Nhà hắn ở số 19, phố Thái Phiên. Cái nhà to đùng do Pháp xây, nhưng lại phân ra làm nhiều hộ, mỗi hộ ở một gian nên rất chật chội, cầu thang chung, bếp chung và cả hố xí cũng chung nốt. Bác Giao thoạt nhìn tưởng rất ngiêm khắc bởi khuôn mặt góc cạnh có những nếp nhăn hằn sâu chồng xếp lên nhau theo năm tháng, nhưng khi dã tiếp xúc thì lai rất dễ gần, cởi mở và nói chuyện thì hay không thẻ tả nổi.
Mới đầu tôi cứ nghĩ bác làm kiến trúc sư thì nhà phải to và đẹp lắm đâu ngờ cả gia đình chỉ được phân một căn hộ nhỏ ở tầng hai. Căn gác tuy nhỏ, chỉ khoảng 30 mét vuông nhưng nhìn vào cách bài trí tranh ảnh và các giá sách ta biết ngay chủ nhân là người rất am tường về nghệ thuật. Giá sách chiếm một dung lượng lớn của căn phòng. Trên giá rất nhiều sách về kiến trúc bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, có cả sách văn học. Mới liếc qua tôi đã đọc được nào là Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng v.v… Trên tường ngoài treo một bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ phố cổ Hà Nội, còn lại vài bức nhỏ hơn toàn là chân dung tự họa. Có duy nhất một bức ảnh chụp khổ vừa treo trang trọng ở giữa. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong tấm hình có rất nhiều người thậm chí có người râu tóc đã bạc phơ và đặc biệt thấy vợ chồng bác Giao trong tấm hình đứng cạnh vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi không khỏi tò mò. Bác Giao đã chậm rãi kể cho tôi nghe:
- Những Người trong ảnh này là đồng đội cũ của bác trước đây cùng trong đội du kích có tên là Hoàng Ngân, tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô thời kỳ đầu khi quân Pháp chiếm Hà Nội. Hai phần ba trong số đó đã hy sinh. Khi Tướng Giáp sinh nhật tròn 80 tuổi các bác có hẹn nhau đến chúc thọ Đại tướng rồi cùng nhau chụp ảnh làm kỷ niệm. Bác và một số người nữa cùng nhau liên lạc và tìm bằng được những người đã từng tham gia đội du kích trước kia để họp mặt nhau lại xem ai còn ai mất. Cháu xem, có nhiều bác đã làm đến chức Bộ trưởng rồi Thứ trưởng rồi đó, chỉ thiếu mấy bác vì lý do sức khỏe và ở xa quá không về được. Khi Đại tướng biết điều này cứ buồn mãi.
Xa xa góc tường bên phải tôi còn chú ý đến một bức chân dung vẽ bằng mầu nước khổ nhỏ. Đó là gương mặt một người đàn ông gày gò hốc hác đầu đội chiếc mũ phớt vành nhỏ cổ lại khoác một chiếc khăn len to xù, ta có cảm giác toàn bộ khuôn mặt bị chiếc khăn xâm lấn nhưng còn lại đôi mắt to và sáng quắc như hai đèn pha dọi thẳng vào ta rất ám ảnh. Tôi cứ đứng thừ ra nhìn vào đó rất lâu. Bác Giao thấy lạ vỗ vào vai tôi rồi hỏi:
- Sao cháu nhìn gì mà chăm chú thế?
- Vâng cháu thấy gương mặt quen quen hình như cháu đã thấy ở đâu đó thì phải.
Thấy tôi có vẻ quan tâm về hội họa bác Giao nói:
- Đó là bức chân dung tự họa của họa sỹ Bùi Xuân Phái. Bác Phái tặng đã hơn 20 năm rồi. Hồi đó bác mới về tiếp quản thủ đô. Bọn bác quen nhau ở quán cà phê của ông Lâm Toét ở 60 đường Nguyễn Hữu Huân.
- Thôi đúng rồi cháu đã xem ở một tạp chí về hội họa mấy bức chân dung tự họa rất khác nhau. Bức thì bác Phái mặc chiếc áo may ô, bức thì cầm cọ vẽ, nhưng có một đặc điểm bức nào hai con mắt cũng to và sáng cứ nhìn chằm chằm vào mình như thôi miên vậy.
Sau đó bác Giao lại tiếp tục cả buổi chiều hôm đó nói về Bùi Xuân phái, về Nguyễn Tuân, Thạch Lam - những người mà theo bác Giao là những nhà văn hóa đặc trưng của đất Hà Thành. Bác Giao còn kể:
- Hà nội - đó là thủ đô độc nhất vô nhị trên thế giới, là mảnh đất thiêng chất chứa trong lòng hàng ngàn năm lịch sử, nơi hội tụ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cực kỳ phong phú. Có lẽ còn lâu chúng ta mới khám phá hết những giá trị tinh thần tiềm ẩn trong đó. Bác đơn cử một ví dụ thế này, chưa có một thủ đô nào trên thế giới lai có số lượng bài hát viết về thủ đô nhiều như Hà Nội, cũng chưa có thành phố nào giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống như Hà Nội và cũng chưa có nơi nào trong cả nước con người có tính cách đặc trưng như người Hà Nội. Ngày xưa ca dao có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để ví von đã là người Hà thành đi đâu cũng thanh lịch. Ngày nay không biết thế hệ các cháu thế nào chứ thế hệ các bác trong những lúc trà dư tửu hậu hay nói đùa với nhau: người của đất Kinh kỳ phải biết đọc văn của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, xem tranh của Bùi xuân Phái, nghe nhạc Phú Quang.
Tôi cứ tâm đắc mãi câu nói này. Sau đó bác tiếp tục:
- Hồi còn trẻ vào những tối mùa đông se lạnh của Hà Nội, bên ngọn đèn vừa đủ sáng bó gối quấn chiếc chăn bông mà đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân thì còn gì thú bằng. Ta thấy cái thú ăn chơi của người Hà Nội thật cầu kỳ hết đỗi, như thú uống chè - từ một anh công tử giàu sang trở thành kẻ hành khất lang thang trong truyện ngắn Những chiếc ấm đất, hay sự thưởng lãm thanh tao đầy chất ngệ sỹ trong Thả thơ. Nói khí không phải chứ thời các cháu ngày nay phải mang sách theo học cụ Nguyễn dài dài cũng không theo kịp.
Tôi cười giấu nỗi ngượng ngùng. Bác Giao lại tiếp mạch câu chuyện về Họa sỹ Bùi Xuân Phái - một người con của đất Hà Nội, là một Họa sỹ tài danh nhưng nghèo khổ, cả cuộc đời đi tìm cái đẹp trong những hình hài phố xá đơn côi, tường vôi ẩm ướt, mái ngói rêu phong, nhưng ông đã thổi hồn lên nền vải biến nó trở thành “Phố Phái - Khí Phái” trong tranh với vẻ đẹp vĩnh hằng. Phải nói cả cuộc đời Bùi xuân Phái đã đi tìm Chân - Thiện - Mỹ qua hội họa. Tình yêu đối với Hà Nội của ông quá lớn đến nỗi trái tim nhỏ bé của ông không chứa nổi. Ông phải nhờ đến hội họa. Những ngôi nhà cũ kỹ, chiếc cột điện xiêu vẹo, ngọn đèn đường héo hắt trong đêm… Những nhân vật trong tranh là những anh thợ phu hồ vất vả, những bác xích lô, xe thồ tất tả trong đêm, hay những chị bán hàng quà rong tất tưởi từ ngoại ô vào Hà Nội kiếm sống cứ từ từ hiện lên, cho ta cảm giác một nỗi buồn, nỗi nhớ đau đáu về một Hà nội xưa. Ông vẽ phố Hà Nội lên bất cứ thứ gì mà ông lượm được: từ một vỏ bao thuốc lá mà ông đã hút hết đến những tấm bìa các tông vớ được nơi vỉa hè, hay một mảnh giấy xé ra từ vở học sinh mà ai đó đã vô tình đánh rơi nơi phố chợ. Vợ ông, một y tá trong thời kỳ bao cấp đã phải mang từng vỉ thuốc tây được phân phối đi bán để mua bột màu và cọ vẽ cho ông. Ngược lại tranh ông vẽ ra lại không bán chỉ để cho, tặng bạn bè hoặc để gán nợ cho những cốc cà phê, hay bát phở điểm tâm buổi sáng. Cà phê Lâm số 60 đường Nguyễn Hữu Huân hiện đã có tới năm, sáu bức tranh của ông chỉ vì ông hay uống cà phê tại đó. Đây cũng là nơi ông hay gặp mặt các đồng nghiệp. Với sự hào phóng của người họa sỹ, vô tình ông chủ quán đã có trong tay một tài sản kếch xù. Năm 1993, ông Lâm đã bán một trong những bức của Bùi Xuân Phái (Phố Hàng Bạc) cho nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Nghe nói bức này đã được nhiều người nước ngoài trả với giá 25000 USD, nhưng nhà sưu tập chưa muốn bán.
Tôi nghe mà giật cả mình, dựng cả tóc, liền ngắt lời bác Giao:
- Giá như mà hồi đó bác Phái chỉ cần bán được một bức như bây giờ thôi thì gia đình rồi cuộc sống của bác cũng đỡ đi bao nhiêu.
Bác Giao trầm ngâm một lát rồi nói:
- Cũng chưa biết chừng, chính cuộc sống khó khăn và trải qua nhiều thiếu thốn như thế thì sức sáng tạo của con người ta mới thăng hoa đến vậy cháu biết không? Họa sỹ Van Gogh của Hà Lan đầu thế kỷ 20, một người đã đạt đến đỉnh cao của trường phái tranh Ấn Tượng là một trong số ít họa sỹ có tranh đắt nhất thế giới hiện nay nhưng khi còn sống thì sao? Phải nói đó là tận cùng của sự ngèo khổ. Họa sỹ không có đủ tiền để thuê người mẫu và cũng không có đủ tiền để lấy vợ, cả cuộc đời đều sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp của người em trai làm nghề buôn tranh, đến năm 37 tuổi đã tự kết thúc cuộc đời của mình bằng một phát đạn vào đầu vì mắc phải căn bệnh trầm uất. - Bác Giao từ từ kết luận - Cháu thấy đấy trên thế giới thường những người có cuộc đời nhiều đau khổ nhiều bất hạnh, nói chung là không may mắn như những người khác, mà làm nghệ thuật thì sức sáng tạo của người ta phi thường và rất có thể thở thành người vĩ đại. Còn những người có cuộc sống may mắn, hạnh phúc, cơ sở vật chất dồi dào thì lại chỉ có thể trở thành người bình thường, không hơn không kém.
Mãi về sau này tôi ngiệm thấy câu nói của bác rất chí lý. Từ cái buổi bác Giao thuyết trình về vẻ đẹp của tranh Phái, tôi cũng nổi hứng kiếm tìm mấy cửa hàng bán tranh của mấy họa sỹ thất nghiệp ở phố Tràng Tiền, rút cuộc cũng tìm được một bức chép lại Phố Hàng Thiếc, gói gém cẩn thận mang sang tận bên Ucraina treo. Cũng oách ra phết, rất tiếc chỉ là bản sao, mà trong giới ngệ thuật thì tranh sao chép chẳng có giá trị gì cả.
Sang bên này đã lâu, có lẽ đến dăm năm nay tôi chưa gặp lại bác Giao. Vừa rồi thằng Thanh gọi điện sang, nó vẫn làm tư vấn giám sát ở thành phố Hồ Chí Minh, nói bác bị ốm nặng lắm, đâu như ung thư dạ dày thì phải, đang phải nằm điều trị ở bệnh viện Bạch Mai. Tôi bỗng nhớ bác và lo cho bác thực sự, chỉ mong cho bác qua được căn bệnh hiểm nghèo để nhìn thấy Hà Nội thủ đô của mình kỷ niệm sinh nhật 1000 năm tuổi.
Đến tháng 10/2010 này, cả nước sẽ tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long. Người ta đã chuẩn bị cho Đại lễ từ mấy năm về trước. Suốt mấy tháng nay các phương tiện thông tin rồi báo chí đều luôn luôn nhắc đến sự kiện trọng đại này chắc chắn sẽ là một Đại lễ hội cực kỳ hoành tráng, tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật. Tôi bỗng nghĩ tới bác Ngô Huy Giao – nhà kiến trúc sư, người chiến sỹ đã âm thầm chiến đấu giữ gìn và làm đẹp cho Hà Nội. Thời còn là sinh viên bác tham gia đội du kích Hoàng Ngân bảo vệ thủ đô, rồi theo tiếng gọi của tổ quốc khoác ba lô lên chiến trường Tây Bắc tham gia những trận đánh đầy khốc liệt như Mường Thanh, Him Lam. Hòa bình lập lại bác trở về học tiếp đại học để trở thành kiến trúc sư thiết kế cho Hà Nội những công trình làm đẹp thủ đô. Kể cả khi đã về hưu bác vấn tiếp tục cống hiến sức lực cho thành phố bằng việc cùng với Hội kiến trúc thành phố đấu tranh ngăn cản những công trình mang tính thương mại, không hài hòa phù hợp với cảnh quan của Hà Nội, nhằm giữ cho Hà Nội có những không gian kiến trúc hài hòa, đậm đà bản sắc dân tộc, trường tồn với thời gian. Tôi còn nhớ mãi câu nói của bác: “Đây là trận chiến cuối cùng của những người lính già các bác”.
Tôi nghĩ bác Giao, cũng như muôn vạn người khác đã hy sinh cho thủ đô, cần được trân trọng và tôn vinh. Bác vừa là chiến sỹ, vừa là nghệ sỹ, cũng như họa sỹ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi… đều là những người con tinh tú của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Sắp đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long tôi bỗng nhớ đến bác Giao, đến khoảng thời gian hai bác cháu bên nhau bàn luận về văn học, hội họa, về các giá trị văn hóa của đất Hà thành. Tôi mạn phép ghi lại những hồi ức chất chứa nhiều cảm xúc mà tôi may mắn có được để các thế hệ tiếp nối sinh sống trên mảnh đất Ucraina xinh đẹp này không quên công lao và tâm huyết của một thế hệ đi trước đã không tiếc sức mình bảo vệ, phát huy, gìn giữ các giá trị truyền thống của đất văn vật, để Hà Nội mãi mãi xứng đáng là thủ đô thiêng liêng luôn luôn khắc ghi trong tim mỗi người Việt Nam chúng ta, để mỗi khi nghĩ tới chúng ta đều cảm thấy rất đỗi tự hào.
Việt Anh - Kremenchuk, 10-2010.
|