Bao năm nay, dẫu vật đổi sao dời, Đền Ngọc Sơn vẫn âm thầm ẩn khuất dưới những lùm cây cùng với thế giới tâm linh huyền diệu và Tháp Bút vẫn nhả lên trời xanh những nét vẽ thăng trầm của lịch sử.
Hà Nội, lãng đãng mùa Giáng sinh
Rét ngọt. Gió mùa đông bắc về đúng mùa Lễ Giáng sinh. Mới mấy hôm trước trời còn nắng ấm mà nay ra đường ai nấy đã phải trùm khăn áo kín mít.
24.12 ....
Đường phố những hôm rét càng chật chội và ùn tắc. Nhiều người diện xe ô tô để tránh rét, cái to cái nhỏ, đẹp xấu chen chúc nhau, chẳng theo một hàng lối gì, hở chỗ nào là đâm vào, bóp nghẹt những dòng xe máy đông như kiến cỏ đang chậm chạp nhích lên từng xentimét, leo bừa lên cả vỉa hè. Còi bóp vô tư. Đi được, bóp. Không đi được, bóp mạnh hơn. Trước mặt, một cái mũ bảo hiểm bất chợt xoay ngang và chiếc khẩu trang được kéo xuống diệu nghệ: xoẹt, một bãi nước bọt hắt choẹt xuống đường từ đôi môi đỏ chói.
Chúng tôi đến một nhà hát nho nhỏ. Tấm áp phích rất bắt mắt: Chương trình đặc biệt chào đón Noel với các siêu sao. Vé vào cửa chỉ có ba trăm chín, quá bình dân. Thay đổi không khí và tránh rét, tội gì!. Hiên ngang bước vào rồi nhìn quanh khán trường thấy phần đông là lớp trẻ, vừa uống rượu vừa trò chuyện trong tiếng loa đinh tai nhức óc. Thôi chết, nhầm rồi. Nhưng bỏ về thì nó bảo hai lão nhà quê?. Một thanh niên bảo vệ mặc áo đen vồn vã dẫn hai lão đến chiếc bàn chật chội và hét vào tai: „Hai chú ngồi đây, ghế đặc biệt đấy ạ“. Một em váy buông lơi (chỉ mỗi?) yếm thắm khá xinh xách chiếc giỏ tre đựng dăm chai rượu và đồ nhắm đến, cười rất duyên: „Em mời hai anh dùng rượu“. Giật mình khi thôn nữ mời chai „xờô“ 14 triệu, đành nhón một „ông già chống gậy“ màu đỏ hai triệu hai, lấy chút thức nhắm rồi „boa“ thêm, tròn ba triệu. Thôn nữ cười (đánh) tủm. Lão bạn lẩm bẩm „bằng tháng lương hưu tao“. Tôi làm bộ „thả phanh đi“ nhưng kín đáo nắn tay vào túi, mấy tờ xanh mới đổi chiều nay chắc không đủ để chờ đến lúc Chúa ra đời. Đau quá, „thôi rồi Lượm ơi“.
Mãi 10 giờ rưỡi tiết mục mừng Giáng sinh mới bắt đầu. Thoạt tiên cũng thấy êm tai với tiếng nhạc du dương và ánh đèn mầu huyền ảo, rồi bỗng dưng ùng ùng oàng oàng như sấm, như chớp. Sàn diễn tách ra cái lỗ to, một cái thớt tròn nâng bốn nàng „siêu sao“ nằm thành một vòng tròn như các cô tiên từ dưới đất chui lên, đẹp phong phanh. Tiên nữ từ từ nhỏm dậy, uốn éo diệu nghệ những đường cong, vừa hát vừa lướt. Rồi ngoại y mỏng mảnh thả bay, chỉ còn mong manh nội y cuốn hút. Tiếng huýt sáo từ khán trường vang chói tai. Các nàng đứng vào hai cái „mâm“ gắn ở hai cột trụ sáng bóng, uốn lượn mềm như tơ. „Mâm“ nâng lên chậm rãi, đưa các tiên nữ khuất dần trong tấm màn che ngang phía trên sân khấu như bay về trời. Chẳng thấy tụt xuống. Lại ùng oàng, lỗ lại nứt, bốn nàng khác từ dưới sàn sân khấu lại theo „thớt“ chui lên. Thôn nữ sợ chúng tôi đói chốc chốc lại mang đồ nhắm tới bày trước mặt. Đang mải xem, chẳng kịp xua tay. Lão bạn vẫn há hốc mồm về phía sân khấu. Tôi xót cái ví nên bấm lão chuồn „ra ngoài kia cho nó mát“. Thôn nữ nhanh nhảu „đang mưa phùn, các anh ngồi đây cho ấm, để em mang thêm rượu mạnh đến“. May mà lão bạn hiểu ý đứng dậy, với chai rượu thừa cầm đi trước khi thôn nữ quay lại. Tôi hơi ngượng: „Toàn cồn đấy, cầm làm gì“. Đáp: „Phí của, còn nhiều thế này, mang về cho thằng Tồ uống, cho nó say chết cha“.
Nửa đêm về nhà, thao thức không ngủ được. Tivi truyền lại bộ phim „Của để dành“, cảm động đến rơi nước mắt trước cảnh em bé hiếu thảo đi làm „ôxin“ mà hằng đêm vẫn thắp nến, tưởng tượng hình bóng mẹ đến thăm.
29.12. ...
Như thường lệ mỗi dịp sắp chia tay với Hà Nội, tôi lại chọn chỗ ngồi quen thuộc bên thềm nhà Thủy Tạ trên sóng nước lung linh, tư lự nhìn những giọt cà phê đậm đặc rơi chầm chậm và ngắm nhìn vẻ đẹp kiêu sa của Hồ Gươm. Sau mấy ngày rét ngọt trời lại giở gió nồm, mưa bụi giăng giăng trên mặt hồ, mơ màng, huyền ảo ...
Tự nhiên lòng thấy rưng rưng.
„Hà Nội ơi, có từ bao giờ ...?“
Trầm ngâm nhớ lại những bài học lịch sử: "Mùa thu, tháng 7 nǎm Canh Tuất vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thǎng Long". Nhà Hồ dời đô vào Thanh Hóa (Tây Đô) nên đã đổi tên Thǎng Long thành Đông Đô. Rồi giặc Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly, khinh miệt đổi tên Đông Đô thành Đông Quan („cửa quan phía đông" của tổ cha nhà nó!). Nguyễn Trãi, Lê Lợi đánh chúng nó tan xác, xóa cái nhục Đông Quan, đổi là Đông Kinh. Nǎm 1802, vua Gia Long quyết định đóng đô ở Phú Xuân, lấy lại tên Thăng Long nhưng đổi chữ "Long - Rồng" thành chữ "Long - Thịnh", vì vua không ở đây. Nǎm 1831 Vua Minh Mạng tiến hành đợt cải cách hành chính lớn. Tên Hà Nội bắt đầu có từ năm ấy. „Hà Nội có nghĩa là phía trong sông“, nằm giữa 3 con sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy.
Và bây giờ, Hà Nội ...
Buồn bã tản bộ trên bến „tàu điện Bờ Hồ“ năm xưa, lòng như nghẹn lại, nhớ da diết tiếng tàu leng keng của một thời Hà Nội chớm mùa đánh Mỹ. Thời ấy dường như ai cũng sống trong sáng và lí tưởng. Có một thằng „já“ cũng lí tưởng không kém đã hăng hái xung phong đi bộ đội, nhưng lại được thầy hiệu trưởng gọi lên dặn dò „em ra nước ngoài học tập là vinh dự của trường Chu Văn An, cố gắng học giỏi rồi về xây dựng tổ quốc“. Một chiều đầu thu, thằng „já“ đại ngu với cái đầu nặng chịch những câu thuộc lòng từ „Thép đã tôi thế đấy“ đã nói một câu ngu nhất đời khi chia tay với người bạn gái đẹp nhất trường: „chúng mình sẽ gặp nhau trong hàng ngũ thanh niên cộng sản“. Cô bạn rạo rực tuổi mười bẩy, chưa được vào Đoàn vì bố „lưu dung“ khẽ khàng: „học giỏi rồi sau này về dậy em nhé, nhớ gửi thư về“. Thằng „já“ bủn rủn đê mê vì lần đầu tiên trong đời được một người bạn gái xưng em. Năm sau, khi đã yên vị trong giảng đường đại học Praha và say sưa bốc phét chiến tranh ở nước tao đẹp lắm thì nó được tin bạn đã mang đôi mắt đẹp hút hồn xung phong vào đại ngàn Trường Sơn rồi tan đi trong bom đạn!
Bến „tàu điện Bờ hồ“ bây giờ chật cứng những chiếc xe hơi đời mới. Cửa hàng sách thiếu nhi phía bến kia đường đã thay bằng siêu thị ồn ào nối liền với tòa „hàm cá mập“. Khuôn viên xưa của rạp chiếu bóng Kim Đồng một thời thơ ấu nay vươn lên một cái tháp kì lạ. Bái phục những người đã sáng tạo ra nó: nó quá mảnh khảnh, sợ người ta không thấy cái mảnh khảnh ấy nên nó vươn lên thật cao, trên chóp đội một ô vuông vuông, ở giữa có một cái lỗ tròn tròn, nhấp nháy đèn „múa rối nước“.
Có đẹp không, những ngôi nhà ngất ngưởng mọc hiên ngang bên những con phố nhỏ hẹp?. Hàng ngày, những khối người khổng lồ từ những khối hộp vô cảm cao chót vót cùng đổ xuống mặt đường, cộng với hàng ngàn người từ ngoại ô đổ vào, xúng xính ô tô, chen chúc xe máy, gây nên nạn tắc đường „không cho chúng nó thoát“. Cảnh sát huýt còi toe toe, bất lực hua hua cây gậy trước những đống xe hỗn độn cũng toe toe bóp còi. Thỉnh thoảng, dăm bẩy chiếc xe xích lô lọng vàng hoen ố chở mấy ông tây bà đầm cầm khăn tay bịt mũi, len lỏi chạy giữa bụi và khói. Mấy bà nhà quê „kìa dáng ai như dáng mẹ, dáng chị tôi“ cuống quýt quang gánh chạy le te, cố thoát thân khỏi đám dân phòng hung hăng dùi cui đuổi bắt. Một chiếc xe môtô ba xịch lại, hai chàng cảnh sát oai phong nhẩy xuống. Những quả cà chua đỏ rói và mấy mớ rau xanh ngắt tung tóe trên đường nhựa. Người nhà quê thụp xuống vừa lạy vừa khóc. Quang gánh bị quẳng lên thùng xe, alê, hấp!
Lạy Giời, giữa cái náo nhiệt nhộm nhoạm ấy vẫn còn đó một Đền Ngọc Sơn cổ kính ẩn hiện sau lùm cây xanh trên mặt nước hồ: một quần thể kiến trúc thể hiện tư tưởng triết học âm - dương phương đông và tinh thần Đạo giáo thần tiên. Cầu Thê Húc (Nơi đậu lại của ánh mặt trời ban mai) dẫn đến Đắc Nguyệt Lầu (Lầu thưởng trǎng). Tả hữu có hai bức phù điêu: Long Mã Hà đồ (Long Mã cõng Hà đồ) và Thần Quy lạc thư (Rùa Thần cõng Lạc Thư). Trên Đắc Nguyệt Lầu có hai câu đối, một vế mang tư tưởng Đạo giáo: Trần Cảnh tiên châu hữu lộ thông (Cảnh Thần Tiên, ở cõi trần cũng có đường thông tới), vế kia là tinh thần nhà Phật: Linh hồ Nhược Thủy tùy duyên độ (Hồ linh thiêng, nước Nhược Thủy theo duyên thì độ).
Bao năm nay, dẫu vật đổi sao dời, Đền Ngọc Sơn vẫn âm thầm ẩn khuất dưới những lùm cây cùng với thế giới tâm linh huyền diệu và Tháp Bút vẫn nhả lên trời xanh những nét vẽ thăng trầm của lịch sử.
Những em bé của Hà Nội đang cõng trên lưng hàng núi sách sẽ biết gì về Hà Nội xưa? Sẽ hiểu gì về sự âm thầm nhưng thâm thúy của người xưa vẫn hằng khinh bỉ những trò gian manh của các lão quan tham và nhí nhố trọc phú?
Đứng trên Cầu Thê Húc trong một chiều đông khi trời đất giao thoa trước thềm năm mới, bỗng thấy lòng lâng lâng, hư ảo một niềm tin: mọi trò gian manh đều là vô nghĩa trước thiên nhiên bất tử với muôn điều kì diệu. Có một thế giới tâm linh vẫn hằng cảnh báo: „Người đời ơi, hậu kiếp đấy, hãy coi chừng!“.
„Tả Thanh Thiên“, Bút vẫn thả chữ lên Trời xanh đó thôi.
Nguyễn Quyết Tiến (trích Nhật ký ngày về)
(theo Tạp chí Người bạn đường)
|