Phần I: HÀNH TRÌNH DU HỌC
HÀNH TRÌNH SANG TRUNG QUỐC
Phạm Vĩnh Cư sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hải Thịnh, Hải Hậu – Nam Định. Thân phụ là Phạm Trọng Nhu – sinh năm 1918, một cán bộ cách mạng có tiếng của Nam Định, đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp (tháng 5/1952). Vì là con liệt sĩ nên tháng 9/1953, Phạm Vĩnh Cư đã được gia nhập đoàn học sinh Việt Nam, đưa sang học tập tại “Khu học xá Nam Ninh”, đóng tại thủ phủ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là trường học của Việt Nam, thành lập từ 1951, được Trung Quốc tạo điều kiện giúp đỡ (do lúc giờ ở ta còn chiến tranh). Hiệu trưởng là ông Võ Thuần Nho, khi ấy có mấy nghìn học sinh Việt Nam được Đảng, Chính phủ tuyển chọn đưa sang dạy dỗ, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho việc xây dựng đất nước sau ngày hòa bình. Một trong những học sinh tốt nghiệp đầu tiên ở Khu học xá là Việt Phương, sau này thành nhà thơ nổi tiếng với tập thơ Cửa mở có nhiều bài hay cũng như nhiều câu gây tranh cãi một thời. Khi ghé thăm Khu học xá, Thủ tướng Phạm Văn Đồng để ý tới Việt Phương nên sau này tuyển anh về làm thư ký…
Nhớ lại những ngày tháng này, nhà khoa học khả kính tháo mục kỉnh xuống mặt bàn, mắt nhìn xa xa về phía khung cửa sổ: “- Quá trình sang được tới Nam Ninh cũng rất gian khổ. Tôi ở vùng tả ngạn nên quy định tập kết ở Ninh Bình. Chúng tôi đi bộ từng chặng một lên Bắc Sơn – Việt Bắc. Phải đi ban đêm mò mẫm, trì trật, vì từng có đoàn đi ban ngày bị địch thả bom… Ở lại chờ đoàn Liên khu IV một tháng họ mới ra tới nơi, chúng tôi được sát nhập cùng và tiếp tục đi bộ ban đêm lên biên giới. Tới Mục Nam Quan thì được xe Trung Quốc đón, chở chúng tôi tới Bằng Tường, nghỉ dưỡng sức một tuần tại đó.” . Dừng một chút, Phạm Vĩnh Cư kể tiếp: “- Tôi cứ nhớ mãi mấy chiếc xe cam nhông Trung Quốc đón, đêm mịt mùng, mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật. Nhớ mang máng lúc tới nơi, người ta thả lũ chúng tôi vào một cái lán…Sáng mở mắt ra thấy lạ vô cùng, thật không dám tin vào mắt mình, hệt như một cõi tiên.
Ở Việt Nam thời kháng chiến, chúng tôi chỉ quen với hai màu đen hoặc nâu. Nay thấy đồng bào Trung Quốc phơi phóng quần áo, chăn mền, sặc sỡ màu sắc xung quanh, thấy cuộc sống thật tưng bừng...
Xong lên tàu, lần đầu tiên tôi biết đến tàu hoả. Đi tới Giang Tây rồi chuyển qua ngồi xe buýt, lên Lư Sơn...”
Tôi thấy có phần “ghen tỵ” với ông vì rất thích câu thơ của Tô Đông Pha “Bất thức Lư Sơn chân diện mục”, ao ước một lần du ngoạn Lư Sơn, nhưng tôi không nói ra điều này để được nghe tiếp mạch hồi ức như dòng suối đang róc rách: “Lư Sơn là một khu nghỉ mát, tựa như Tam Đảo hay Sa Pa của mình. Chúng tôi ở Lư Sơn nửa năm, cả mùa đông ấy chứng kiến tuyết. Rét lạnh thấu xương nhưng được trang bị đủ ấm và có lò sưởi. Mấy trăm học sinh chúng tôi ở trong một trường quân bị, có từ thời Tưởng Giới Thạch. Từ đây có thể nhìn thấy sông Trường Giang …
Mùa xuân 1954, chúng tôi được xuống núi. Tôi mới lớp 4 nên chưa được học tiếng Hoa (phải từ lớp 5). Tháng 4, chúng tôi thuyên chuyển về Quế Lâm, tập trung vào học tập”. Nghe ông nói, tôi cũng mường tượng tới Quế Lâm – nơi được phong là “Đệ nhất danh thắng”, qua một số bức tranh thuỷ mặc sơn thuỷ của các hoạ sỹ Trung Quốc và một lần chiều cuối tuần, tôi tình cờ lướt các kênh ti vi và bắt gặp…Và tôi chợt nhận ra một điều thú vị dường không liên quan với Lư Sơn và Quế Lâm, rằng thời ấy, Phạm Vĩnh Cư và bạn đồng học, cả các lứa sang trước, sau ông, ra nước ngoài để được học tiếng Việt và chương trình giáo dục cách mạng của Việt Nam. Sau sáu thập niên, chúng ta lại đang tích cực lôi giáo dục nước ngoài về Việt Nam để cho con cháu được “du học tại chỗ”…
HÀNH TRÌNH TỚI MOSKVA
“- Ở Quế Lâm tới tháng 9-1954, hoà bình được lập lại ở Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ , nhà trường công bố sẽ tuyển một số em đi học Liên Xô. Tự nhiên thấy mình được chọn vào trong số 100 học sinh (gồm cả hai cơ sở Quế Lâm và Nam Ninh). Trước đó, khi diễn ra hội nghị Geneve, có tham luận của Molotov – đại diện Liên Xô, mấy đứa trẻ chúng tôi ao ước “Giá mình được sang Moskva nhỉ - thật là thiên đường trên trái đất!”. Đúng như câu thơ Tố Hữu nói lên tâm lý một thời: “Lão nằm mơ nước Nga”, ở đây chỉ thay chữ đầu bằng đại từ nhân xưng khác là “cháu” (Cháu nằm mơ nước Nga).
Chúng tôi được đưa lên Bắc Kinh, ở đó mười ngày rồi lên tàu qua Nga. Nhiều ngày đêm trên tàu rong ruổi qua những thảo nguyên mênh mông, những cánh rừng tai-ga …rồi xuất hiện những cánh đồng rộng lớn, những rừng bạch dương đặc trưng của nước Nga, rồi những toà nhà cao lớn, đồ sộ của Moskva… Một phái đoàn của Nga ra đón chúng tôi với nghi thức trang trọng, hát vang bài Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh. Thời ấy, tình hữu nghị Việt-Trung-Xô thật chân thành, nồng thắm.
Người ta đưa đoàn chúng tôi về ký túc xá sang trọng, giữa phòng khách treo bức tranh sơn dầu lớn. Tòa nhà này vốn là dinh thự (Usadba) của một lãnh chúa Nga, sau này là nhà của Berya trước khi chuyển thành ký túc xá. Nó nằm ngay ở trung tâm Moskva, đường Sadovoe Kolsho, có sân chơi thể thao, đủ chỗ cho 100 học sinh Việt Nam ăn ở đàng hoàng. Ông hiệu trưởng rất mê Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông viết hẳn một trường ca về Hồ Chí Minh, lại còn phổ nhạc thành bài hát chính thức : “Chúng tôi – những người con trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Cho tới nay, chúng tôi vẫn tổ chức hội trường vào ngày 4-10 hàng năm. Tất cả đầu đã bạc, trên dưới 70 – 80 tuổi rồi còn gì (!), nhưng gặp nhau vẫn tíu tít như ngày nào và việc đầu tiên là cùng nhau hát bài ca ấy…”.
“- Thế việc giao tiếp, học hành ra sao khi không ai biết tiếng Nga?” - tôi băn khoăn hỏi.
“- Bước đầu rất khó khăn vì chúng tôi chưa biết lấy một từ, chữ tiếng Nga. Phải bỏ các môn văn hóa để tập trung học tiếng Nga một năm. Cô giáo dạy tiếng Nga cho chúng tôi hoàn toàn bằng trực quan vì họ không biết tiếng Việt. Ví dụ dạy từ “mũi” thì đặt ngón tay lên mũi, từ “tai” thì véo lên tai… rồi nghe, nói, đọc, viết.”. Ông làm vài động tác khiến chủ khách cùng cười lăn cười bò – vâng, vì không ít trường hợp hiểu nhầm do “ngôn ngữ bất đồng”, nhất là khi dùng những từ chỉ những chỗ, những việc khó nói, hay những từ trừu tượng… “- Năm sau, chúng tôi mới chính thức nhập học theo chương trình chung tại một trường phổ thông ở trung tâm thành phố. Trường chỉ cách chỗ ở của chúng tôi năm phút đi bộ, rất tiện lợi. Trường này nằm tại phố Sushev. Phố này mang tên một kiến trúc sư nổi tiếng người Nga – ông cũng chính là tác giả thiết kế lăng Lê-nin.
Chương trình giáo dục của Nga phải nói là rất tốt. Các học sinh Việt Nam học lẫn cùng các học sinh Nga, tuổi nhỏ vô tư, vừa học vừa chí chóe chơi đùa với nhau nên phần tiếng Nga tiến bộ rất nhanh. Với nỗ lực học hành lại gặp môi trường thuận lợi, chúng tôi cảm thấy không đến nỗi khó khăn hay lạc lõng gì lắm – như hình dung ban đầu... Học liên tục 5 năm theo chương trình phổ thông trung học toàn phần. Chúng tôi có ý thức thi đua rất cao, nhất là để giữ thể diện cho Việt Nam nên bảo nhau “không được học kém chúng nó”. Thế nên, trên bảng danh dự của nhà trường, những học sinh đạt được Huy chương vàng, nhất là những người 2,3 năm liền đạt Huy chương vàng, đa số là học sinh Việt Nam như Võ Hồng Anh (con Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đặng Việt Nga (con Cố Tổng Bí thư Trường Chinh)… và mình. Tới khi thi tốt nghiệp, ở lớp 10B đạt được Huy chương vàng chỉ có Phạm Vĩnh Cư, Võ Đắc Bằng (con Võ Thuần Nho).
“- Đại sứ quán thời kỳ ấy có quan tâm gì tới du học sinh, nhất là những dịp lễ tết? ”.
Phạm Vĩnh Cư trả lời: “- Thời ấy còn ít người sang Nga, bọn tôi lại là “những hạt giống đỏ” nên được sứ quán quan tâm đặc biệt. Hai tết đầu tiên, ông Nguyễn Lương Bằng (đại sứ tại Liên Xô lúc đó – T.M.), đón cả trường tới sứ quán ăn tết… Tới khi ông Nguyễn Văn Kỉnh thay (ông Bằng) thì cũng tiếp tục quan tâm. Chúng tôi thường xuyên được đón nhiều vị lãnh đạo ghé thăm: từ Bác Hồ tới các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh…mỗi khi các vị sang Moskva công tác. Có 3 cán bộ chuyên phụ trách đoàn 100 học sinh “ hạt giống đỏ”. Khi học phổ thông, bên mình cử hai giáo viên sang dạy thêm môn tiếng Việt và Lịch sử cùng Văn học Việt Nam. Tôi vẫn nhớ cô giáo dạy Văn có mang theo con nhỏ sang. Các thầy cô Việt được bố trí ăn ở, xếp phòng và lịch dạy ngay tại trường phổ thông đó…”.

Nhà văn Phạm Vĩnh Cư bên bàn làm việc
Phần II: SỨ MỆNH CON THOI NỐI HAI NỀN VĂN HÓA
VÌ MÊ NÊN PHẢI ĐÁNH ĐƯỜNG TÌM … VĂN
Biết ông xuất sắc không riêng gì Văn, trong khi có những bạn học thân của ông lại chuyên về Vật lý, Toán, Hóa Sinh…, chúng tôi muốn ông bật mí vì lý do gì ông lại chọn ngành Ngữ Văn? PGS-TS Phạm Vĩnh Cư chải tay lên tóc – điều ít khi thấy ở ông, rồi vừa cười, vùa thủng thẳng: “- Tôi học đều các môn, song ông bố tôi lại thích thơ. Khi tôi lên 9 tuổi, có một bài thơ không rõ ai làm, ông ấy đọc 3 lần rồi hỏi tôi: “- Con thuộc chưa?”. Tôi đáp “- Thuộc rồi!”, ông ấy mới bình, giảng giải với giọng truyền cảm. Tôi nghĩ đó có thể không phải bài thơ của ông ấy – nên ông ấy mới bình! Tôi có đưa bài này lên Vietnamnet.vn. Có người nói bài thơ ấy của Hoàng Văn Thụ. Một giáo viên trong Nam nói bài này có đăng trong một tập thơ chống Pháp, tác giả là một chí sĩ cách mạng yêu nước quê ở Nam Định, sáng tác ra bài thơ này khi bị giam ở Côn Đảo. .. Vậy cũng do mê thơ từ nhỏ (cười).
Tập thơ đầu tiên tôi được tiếp xúc chính là tập thơ của Tố Hữu – do một thầy giáo dạy Văn đưa cho trong thời gian ở Trung Quốc. Tập thơ in năm 1946 ở Hà Nội (trước tập thơ Từ ấy), được đánh máy lại, nhiều bài hay, khiến tôi mê mẩn mãi… Sau này khi in lại, tác giả đã sửa lại rất nhiều. Trong đó có bài “Khi con tu hú gọi bầy…”, hay bài đề tặng Chế Lan Viên – tác giả tập Điêu tàn, có những câu:
Đâu rồi con nước Chiêm Thành ơi ...
Rêu in thấp thoáng bóng mây trôi...
Ngày xưa độc lập cờ hoe nắng
Thành quách lâu đài rộn bước voi ....
Ngoài thơ, tôi cũng rất thích diễn văn chính trị của Molotov, khi ông đọc nó ở Hội nghị Generve. Năm 1955 – khi sang Nga được một năm, tôi gặp được ông Marian Tkachev. Ông đã tốt nghiệp khoa Sử phương Đông của Trường ĐH Tổng hợp Lomonosov, đang viết luận án tiếng Việt về Việt Nam học tại khoa Sử đó luôn. Ông Marian đi tìm chỗ có người Việt để bổ túc tiếng Việt, đồng thời nhận làm giáo viên phụ đạo, nên thân nhau từ đó…”.
Marian Tkachev là một trong những nhà Việt Nam học hàng đầu, cùng hàng với những người như GS-TSKH Nikulin, nhà sử học Deopik… Từ phương diện dịch thuật, ông là dịch giả lớn nhất (tính cho tới nay) có công dịch và giới thiệu văn học Việt Nam sang tiếng Nga, từ Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Thơ văn Lý Trần…, cho tới các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam hiện đại như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng…và đặc biệt là Nguyễn Tuân. Ngoài ra, Marian Tkachev còn dành thời gian hướng dẫn nhóm học viên Việt Nam học về dịch văn học tại khoa Dịch Nghệ thuật, Trường Viết Văn Gorky những năm 1990 – 94. Ông cũng giảng dạy tiếng Việt cho người Nga tại khoa Đông phương học, Viện Hàn Lâm LB Nga và những nơi khác...
Giọng nói của ông trở nên đặc biệt khi nhắc tới Marian Tkachev: “- Ngay từ đầu, tôi đã thấy ông ấy khác mọi người nhiều quá! Phong thái thật nho nhã…Hai người tiếp xúc trò chuyện, thấy rất hợp nhau. Marian dạy thêm cho mình tiếng Nga, mình giúp ông ấy trau dồi tiếng Việt. Ông ấy hơn mình mười tuổi. Một lần, ông hỏi:
- Cư, em có anh không?
- Không, vì em là con cả.
- Tôi cũng không có em, vì là con một.
Thế là chúng tôi kết nghĩa làm anh em. Marian Tkachev cũng mê văn chương, song không học ở trường nhiều. Trường ốc cũng gây phản cảm không ít. Nhiều học sinh vốn yêu thích văn chương, nhưng học môn Văn xong thì “chán ngấy”, đành “cao chạy xa bay…”.
“- Hóa ra tình trạng này không phải bây giờ mới có, cũng không chỉ ở xứ ta!” – tôi đang nghĩ vẩn vơ thì Phạm Vĩnh Cư nói tiếp: “- Ông Marian yêu và hiểu văn chương thực sự. Tôi chịu ảnh hưởng của Marian sâu sắc về văn chương, thế nên tôi đã chọn ngành Ngữ Văn trường ĐHTH Lomonosov”.
Tình hình phức tạp thời kỳ “chủ nghĩa xét lại” buộc Phạm Vĩnh Cư phải về nước thay vì chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Suốt 16 năm công tác tại Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, Phạm Vĩnh Cư làm phiên dịch (dịch xuôi rồi dịch ngược) cho rất nhiều người, từ Cụ Hồ tới Leonid Sobolev ( Phó Chủ tịch Xô-viết tối cao), từ P. Polevoi tới các nhà thơ M. Simonov, Evtushenko, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, v.v… Rồi ông dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Nga cho NXB Ngoại văn dưới trướng bác sỹ Nguyễn Khắc Viện. “- Họ cứ giữ chịt vì mình dịch tốt. Tiếng Nga mình tốt nên họ thích! Dịch từ các văn kiện Đảng, các tác phẩm của các lãnh tụ như Tuyển tập Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (Trường Chinh), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng (Lê Duẩn), Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân (Võ Nguyên Giáp), Đại thắng mùa xuân (Văn Tiến Dũng)…tới các tác phẩm văn học như thơ Nhật ký trong tù, Hợp tuyển văn học Việt Nam, v.v…Hóa ra, không có cách nào giúp giỏi ngoại ngữ bằng luyện dịch. Dịch được thì hiểu văn bản tốt …”.

Tác giả Tuý Mặc và thầy học cũ Phạm Vĩnh Cư
SỨ MỆNH CON THOI
Cho tới nay, PGS-TS Phạm Vĩnh Cư đã công bố nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật lớn từ tiếng Nga, tiếng Pháp ra tiếng Việt và ngược lại. Các công trình của ông đều mang tính khoa học cao tới mức “hàn lâm”, có sức đột phá để nâng tầm nhận thức cho người đọc và tính độc đáo của một thái độ lao động nghiêm túc, công phu và sáng tạo ! Cuốn đầu tiên tôi biết là công trình biên dịch và giới thiệu triết gia và thi pháp học gia M. Bakhtin, do trường Viết Văn Nguyễn Du ấn hành Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (1990-92). Cuốn sách này lập tức trở thành sách tham khảo quan trọng, thậm chí là loại “gối đầu giường” của rất nhiều nhà nghiên cứu, giáo viên và học sinh ngành Văn và KHXH, dù trước đó ít lâu, người ta đã giới thiệu, tóm dịch một số công trình về Bakhtin và áp dụng vào nghiên cứu văn học Việt Nam…
Tiếp đó, ông chủ biên cuốn Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới của J. Chevalier và A. Gheerbrant (1997), 1056 trang chưa kể 83 trang phụ lục, khổ lớn (19x27). Cuốn sách được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình lúc đó viết “Lời tựa”. Đây là công cụ không thể thiếu cho mọi nhà, đặc biệt các nhà văn hóa học, những người nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo và nghệ thuật...
Cuốn Sáng tạo và giao lưu tập hợp nhiều bài viết và nghiên cứu của Phạm Vĩnh Cư về văn hóa và văn chương Việt Nam. Cuốn sách xuất bản năm 2004 với 660 trang khổ 13x19, NXB Hội Nhà văn và đã được NXB Giáo Dục tái bản có bổ sung nhiều bài mục mới năm 2007, 760 trang khổ 16x24. Có thể xem đây là một tinh tuyển những đúc kết nghiền ngẫm của Phạm Vĩnh Cư về hàng loạt vấn đề - từ văn học Việt Nam, văn học thế giới tới các mối liên hệ giữa văn học với văn hóa, văn học với các phạm trù đạo đức, văn hóa và khoa học. Những bài viết như “Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô”, “Văn chương và hội họa Việt Nam”, “Suy nghĩ về phương pháp luận lịch sử văn học”, “Tiutchiev – khuôn mặt một thi sĩ- triết gia”, “Bakhtin với lý luận tiểu thuyết”, “Giao lưu văn hóa Việt Nam-Nga-Đông Âu dưới góc độ giá trị”, “Freud với vấn đề quan hệ giữa văn hóa, tôn giáo và khoa học”, “Vài suy nghĩ về quốc sách bồi dưỡng nhân tài”, v.v…
Một số ý kiến của ông từng gây ra tranh luận khá sôi nổi, do chúng được nêu lên một cách thẳng thắn và nghiêm túc sau những phân tích và lập luận khoa học. Trong bài “Mấy suy nghĩ về giao lưu văn hóa Việt Nam-Nga”, Phạm Vĩnh Cư đã chỉ ra những thứ “hàng rởm cao cấp” đã “khiến cái ngụy văn chương, ngụy nghệ thuật, ngụy khoa học ngày càng lấn át văn học nghệ thuật,khoa học chân chính, đưa đến sự suy thoái và lạm phát giá trị…” (Sđd., tr.537). Hay trong bài “Thử bàn về tính dân tộc trong thơ Việt Nam”, tác giả đã tìm ra “hai nhược điểm cơ bản của văn học cổ nước ta: thứ nhất, nó chỉ biết có Trung Quốc, chỉ học tập Trung Quốc, quay lưng lại với toàn bộ thế giới ngoài Trung Hoa; thứ hai, các nhà văn hóa của chúng ta ngay khi sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, vẫn không có ý thức đầy đủ rằng họ là những chủ thể của nền văn học dân tộc.” (Sđd., tr.19). Những ý kiến của ông gây không ít tranh luận, song buộc mọi người suy nghĩ dù đồng ý hay phản đối. Bản lĩnh của nhà khoa học thể hiện ở chỗ, khi tiếp thu và tôn trọng các phản biện, ông vẫn không vì các áp lực mà từ bỏ những điều mình đã nghiền ngẫm để rút ra. Trong “Lời vào sách”, Phạm Vĩnh Cư nhấn mạnh: “Cũng niềm khao khát những cuộc bội thu tinh thần ấy đã thôi thúc tác giả viết một loạt bài tham luận về vấn đề giao lưu văn hóa, văn học giữa nước ta và thế giới bên ngoài. Do cách đặt vấn đề thẳng thắn, có bài một thời đã gây tranh luận, nhưng hôm nay đọc lại, tác giả vẫn thấy không cần chỉnh sửa gì – đó không phải là những phát biểu bồng bột hay xu thời, mà là những suy nghĩ lâu năm, trung thực và có trách nhiệm (chúng tôi nhấn mạnh- T.M.)” (Sđd., tr.7).
Nói tới Phạm Vĩnh Cư, không thể không nhắc tới công trình về V. Soloviev Siêu lý tình yêu, NXB Văn hóa-Thông tin, 2005, 991 tr. khổ 16x24. Đây là công trình giới thiệu và biên dịch đầu tiên, đầy đủ và hệ thống nhất các tác phẩm triết học về đạo đức, thẩm mỹ và văn chương cùng các sáng tác thơ của triết gia-thi sỹ thiên tài Nga nửa cuối thế kỷ XIX Vladimir Soloviev (1853 - 1900). Phần giới thiệu ngót một trăm trang sách “Vladimir Soloviev – triết gia, thi sỹ và nhà phê bình văn học” theo tôi, là một trong những tác phẩm xuất sắc của Phạm Vĩnh Cư, có độ bao quát và phân tích xuyên sâu của một chuyên gia về văn hóa, văn học Nga. Bài viết này cùng với các phần biên dịch và chú giải tường tận tiếp theo, đã làm nên giá trị đặc sắc của công trình về Soloviev. Siêu lý tình yêu đã được giới học thuật và xã hội ghi nhận khi trao giải Phan Chu Trinh năm 2009 và đã được tái bản …
Hiện Phạm Vĩnh Cư đang ấp ủ một số việc chuyên môn, trong đó có công trình hoành tráng gồm nhiều tập, tiến hành trong nhiều năm là Tổng tập Dostoevsky. Ở tuổi 70, mong ông có nhiều sức khỏe để thực hành được nhiều ý đồ tốt lành cho nền văn học, văn hóa Việt Nam. Biết tính ông, chúng tôi cho rằng, sự vô tư và say mê của ông, trình độ ngoại ngữ và học vấn uyên bác của ông là một tấm gương về sự thực học thực tài của một nhà khoa học chân chính, lặng lẽ làm việc và cống hiến, không nghĩ đến lợi danh…