"Tuần tin Quê hương" đã có bài viết "Tấm lòng nhân ái" kể về một phụ nữ Ucraina, chị Elena Bôi-kô đã hết lòng giúp đỡ anh Hoàng Đình Long - một thành viên cộng đồng Việt Nam tại Kharkov - trong thời gian lâm bệnh đến lúc anh trút hơi thở cuối cùng, ngày 26-2-2008. Sau đó chị còn cất giữ lọ tro (di hài) của anh Long trong nhà mình một thời gian dài trước khi thông qua Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov nhờ người chuyển về nước. Câu chuyện này đã làm nhiều người cảm động. Ông Hoàng Đình Phất - bố đẻ của người quá cố (anh Hoàng Đình Long) trong những bức thư của mình đã coi chị Elena như con trong gia đình. Đặc biệt, Lê-na (tên gọi thân mật của chị Elena) còn biết tiếng Việt. Chị đã nhiều lần viết thư cho gia đình ông Phất bằng tiếng Việt và khi tới Văn phòng Hội để trình bày về việc tìm người chuyển lọ tro về nước, chị cũng nói tiếng Việt khá sõi. Chị nói người thầy đầu tiên dạy chị học tiếng Việt chính là anh Long, người thứ hai là cô Đinh Thị Quỳnh Liên - giáo viên Trường Tiểu học - mẫu giáo Mùa Xuân.

Cô giáo Elena Boiko cùng học sinh Trịnh Hải Yến trong Lễ khai giảng
"Tấm lòng nhân ái" đối với cộng đồng Việt Nam của chị Lê-na không chỉ dừng lại ở nghĩa cử đẹp kể trên, mà còn ở tình thương yêu và công lao dạy dỗ hàng chục con em cộng đồng Việt Nam ở Kharkov trong việc học tiếng Nga, tiếng Ucraina, giúp nhiều học sinh ôn thi môn tiếng U để thi đỗ vào đại học.
- Chị bắt đầu dậy học sinh Việt Nam từ khi nào? Chị có nhớ chính xác đã dạy bao nhiêu em không? - Tôi hỏi chị Lê-na.
- Đó là năm 2004. Học sinh Việt Nam đầu tiên của tôi là hai anh em sinh đôi con anh chị Hằng Huân ở ký túc xá Hòa Bình. Lạy chúa, rất tiếc sau này anh Huân bị tai nạn xe máy, mất ở Việt Nam. Vì anh Long là cháu của anh Huân, thường xuyên đến chơi nên từ đó tôi quen anh Long. Tôi là giáo viên dạy tiếng Ucraina ở Trường PTTH số 46, còn anh Long một thời gian dài cùng vợ con sống ở miền Tây Ucraina nên nói tiếng Ucraina rất giỏi. Vì lẽ đó chúng tôi thường trò chuyện với anh bằng tiếng U. Tôi thường xuyên đến ốp Hòa Bình, mọi người biết tôi là cô giáo, có nhu cầu cho con em mình học thêm, nhất là những nhà đưa con từ Việt Nam sang, vì thế qua giới thiệu người này, người nọ, tôi đã dạy khá nhiều học sinh Việt Nam, cả thảy khoảng 40-50 em, chủ yếu ở Làng Thời Đại, ngoài ra còn có cả các em sống ở ốp Puskin, khu chung cư Gagarina, khu vực Trung tâm...

Dương Danh và Diệu Ngọc - hai học sinh mới của cô giáo Lê-na
- Nghe nói, chị không chỉ dạy kèm các em nhỏ mà dạy cả người lớn và giúp các học sinh Việt Nam lớp 11 ôn thi vào đại học môn tiếng U phải không?
- Đúng vậy. Một số thanh niên mới từ Việt Nam sang đây làm việc từng là học sinh tiếng Nga của tôi, như em Dương con chị Vân bán thực phẩm ở chợ, em Di ở cờ-va trên đại lộ Lê-nin... Trong số học sinh đã được tôi giúp ôn thi có em Toàn đang là sinh viên Đại học Y khoa Kharkov; em Linh, em Trang - sinh viên Đại học Tổng hợp Kharkov; em Tâm - Đại học hóa dầu Ivano-Frankovsk; em Oanh - sinh viên Đại học Dược Kharkov v.v.. Nhiều nhất vẫn là các em nhỏ học lớp 1, lớp 2. Các em cần được bồi dưỡng thêm tiếng Nga, tiếng U vì sau giờ học trên lớp, ở nhà đa số các em đều nói chuyện với bố mẹ và các thành viên trong gia đình bằng tiếng Việt, chứ không phải tiếng Nga, tiếng U như học sinh địa phương.
- Vì sao chị lại thích dạy trẻ em Việt Nam hơn học sinh bản xứ? - Tôi hỏi xoáy.
Trầm ngâm giây lát, chị Lê-na đáp:
- Có người nghĩ tôi thích dạy học sinh Việt Nam vì lý do này nọ, nhưng thực tế tôi rất quý trẻ em Việt Nam và cộng đồng người Việt. Tôi cũng dạy trẻ em Ucraina, nhưng chỉ nhận dạy con cái của bạn bè hoặc người thân quen. Không ít người ghen tị với tôi vì sự ưu ái dành cho trẻ em Việt Nam. Từ khi quen anh Long cũng như dạy học sinh Việt Nam, tôi càng thấy quý mến các bạn qua lối sống, những phong tục tập quán cũng như nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Nhiều gia đình - bố mẹ của học sinh đối xử với tôi rất tốt, rất thân thiện. Ví dụ như gia đình anh chị Long Hà ở nhà riêng, rồi gia đình anh chị Mây Thứ ở Làng Thời Đại. Chính chị Mây là người đã giới thiệu tôi với Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov để nhờ chuyển di hài của anh Long về nước. Chị Mây còn dạy tôi nấu các món ăn Việt Nam, hứa đưa tôi về Việt Nam thăm quan. Nhưng rất tiếc, như mọi người đều biết, chị Mây đã mất...

Cựu học sinh Kiều Oanh của cô Lê-na hiện đã là
sinh viên năm thứ 2 Đại học Dược quốc gia Kharkov
Nhắc đến chị Mây vợ anh Thứ, chị Lê-na nghẹn ngào xúc động. Chị nói chị đã đến dự tang lễ chị Mây - một đám tang có đông người tới tiễn biệt nhất từ trước tới nay ở Kharkov. Chị còn bày tỏ sự khâm phục người Việt Nam ở sự cần cù chịu khó và sáng tạo trong lao động. Chị rất nể cộng đồng Việt Nam, Tập đoàn Technocom, Tổng công ty Sun Group đã xây dựng các công trình, nhà máy như Mivina, công viên nước, khách sạn, siêu thị, văn phòng... tạo nhiều công ăn việc làm cho người địa phương. Chị đặc biệt tâm đắc về tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc của cộng đồng Việt Nam. "Rất nhiều gia đình, nơi tôi đến dạy học, thường xuyên có khách đến chơi, đều là họ hàng, cô dì chú bác hoặc đồng hương cùng huyện, cùng tỉnh. Họ luôn vui vẻ, thân thiện và giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư". Một điều nữa khiến chị quý mến người Việt Nam ở chỗ, họ không ngần ngại "đầu tư" cho con em mình, mong muốn con của họ học giỏi để không bị học sinh bản xứ coi thường. Trong cuộc sống họ luôn trân trọng giữ gìn bản sắc dân tộc thể hiện qua các phong trào tập thể, các chương trình ca nhạc, các hoạt động của Đoàn thanh niên, Tết Trung thu, Tết cổ truyền và các lễ hội ở chùa Trúc Lâm Kharkov. Chị Lê-na cho biết Kharkov là thành phố đa sắc tộc nên cộng đồng Việt Nam có quyền được đáp ứng nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng của mình, cụ thể là việc xây dựng ngôi chùa Trúc Lâm. Những năm gần đây chị đều đến thăm chùa vào dịp Lễ Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu cùng những người bạn và học sinh của mình. "Tôi rất thích âm nhạc và ẩm thực Việt Nam, các món như nem, bún, phở và tôm chiên tẩm bột rất ngon. Thậm chí, món bún chay ở chùa cũng ngon tuyệt!" - chị Lê-na tươi cười nói.

Cô giáo Lê-na cùng học sinh cũ Kiều Trang,
hiện là sinh viên ĐH Tổng hợp quốc gia Kharkov
Ở phần cuối bài viết này, chúng tôi cùng chị Lê-na hồi tưởng lại câu chuyện về việc chị đã tận tình giúp đỡ anh Hoàng Đình Long, bởi vì trong đó chứa đựng nhiều tính nhân văn mà trong bài viết lần trước (số báo 281) chưa lột tả hết.
Chị Lê-na cho tôi đọc hết cả năm bức thư mà ông Hoàng Đình Phất gửi cho chị. Ông Phất là cán bộ nhà nước đã về hưu năm nay đã 73 tuổi, có 5 người con trai, anh Long sinh năm 1964 là con cả, bốn người em đều đã trưởng thành, có vợ con và cuộc sống đàng hoàng. Theo lời kể của chị Lê-na, anh Long sang lao động tại nhà máy Búa Liềm năm 1983. Tại đây anh đã đem lòng yêu mến một cô gái Ucraina tên là Li-lia. Hết hiệp định lao động, anh về nước. Thế nhưng cũng chính thời gian ấy, chị Li-lia đã mang trong mình giọt máu của anh. Năm 1989, chị Li-lia hạ sinh cháu gái đặt tên là Ka-chia. Thương mẹ con Li-lia, giấu cha mẹ về điều đó, anh Long tìm đường trở lại Kharkov. Vì thời điểm đầu thập kỷ 90 Liên Xô tan rã, Ucraina giành độc lập, cuộc sống vô cùng khó khăn, anh cùng vợ (chị Li-lia) và con gái về quê vợ ở miền Tây Ucraina - thị trấn Novovolynsk, tỉnh Volyn, cách biên giới Ba Lan chừng 50 km làm ăn sinh sống. Tiếc thay, khi Ka-chia được hơn 10 tuổi thì chị Li-lia mắc bệnh hiểm nghèo, mất sớm. Anh Long buồn chán trở về Kharkov làm ăn, gửi con gái cho người chị vợ nuôi ăn học.
Vì thiếu vốn liếng và không quen công việc buôn bán nên cuộc sống của anh Long ở Kharkov khá chật vật. Thêm vào đó, người chú của anh (anh Huân) về phép lại bị tai nạn mất đột ngột, khiến anh càng thất vọng, không ít khi tìm đến chén rượu để giải stress. Dù chị Lê-na khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy anh say xỉn, nhưng không loại trừ chính rượu đã gián tiếp trở thành "hung thủ" gây nên sự đoản mệnh của anh, bởi mùa thu năm 2007, các bác sĩ bệnh viện số 22 đã chẩn đoán anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Suốt 4-5 tháng chữa trị tại bệnh viện, ngoài gia đình họ hàng thì có anh Bằng là bạn thân đã giúp anh Long rất nhiều, về thời gian, sức lực và vật chất. Chị Lê-na nhớ lại: "Anh Bằng có xe, thường xuyên đưa đón anh Long đi khám bệnh và điều trị. Có lần tôi chứng kiến anh Bằng biếu tiền nữa! Còn tôi thì nhiều lần phải chịu tủi nhục từ thái độ của các bác sĩ. Họ tưởng tôi có quan hệ gì với bệnh nhân, lại không có tiền bồi dưỡng nên tỏ ý coi thường. Vì anh Long nên tôi đã nhẫn nhục, song rất tự hào về việc mình làm". Sau khi anh Long mất, chị Lê-na tìm mọi cách để gửi lọ tro về nước cho gia đình. Thậm chí một thời gian dài, sau khi làm thủ tục nhận từ nhà thiêu về mà chưa gửi được, chị đã cất giữ cẩn thận lọ tro ngay trong tủ của nhà mình. Tôi hỏi: "Thế chị không sợ à?", chị đáp: "Đạo Cơ đốc chính thống của chúng tôi coi cái chết là hết chứ không có hồn ma như người Việt thường nghĩ. Vì vậy, tôi không có cảm giác sợ hãi. Hơn nữa anh Long là người hiền lành, tốt bụng, nếu có linh hồn thật thì chắc chắn anh ấy sẽ phù hộ cho gia đình tôi mà thôi!".
Ông Phất - bố anh Long khi biết tin về đứa cháu nội lưu lạc của mình đã nhờ chị Lê-na tìm gặp để thuyết phục đưa về Việt Nam thăm ông bà nội. Chị Lê-na đã lặn lội vượt hơn 1.000 km để tìm gặp Ka-chia, cho cô xem ảnh gia đình nhà nội ở Việt Nam, đọc và dịch thư của ông nội gửi. Ka-chia đã khóc rất nhiều, cô gái mồ côi ấy đã hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ bên người mẹ Ucraina và người cha Việt Nam yêu dấu. Ka-chia nói cô rất quý bố, rất muốn về thăm ông bà, nhưng phải chờ đến khi có cơ hội vì lúc này cô đã lấy chồng và sắp sinh em bé. Do không nói được tiếng Việt nên Ka-chia đã nhờ chị Lê-na viết thư và gửi ảnh về cho ông bà nội ở Yên Bái. Chị Lê-na đã làm đúng như vậy, sau này đã nhận được thư cảm ơn của gia đình ông Phất. Ông còn đặt tên Việt Nam cho Ka-chia là Hoàng Thị Kim Xuân và rất mong được gặp cháu nội, thậm chí muốn cháu về hẳn Việt Nam sinh sống.

Cô Lê-na cùng học sinh Quỳnh Anh
trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 tại Làng Thời Đại
Có một điều rất lạ cũng xin được nêu ra ở đây, đó là vào ngày 26-2 vừa qua, tôi gọi điện cho chị Lê-na để xin được phỏng vấn, viết bài. Chị ngần ngại nói: "Việc làm của tôi rất bình thường, không có gì đáng viết báo đâu, anh ạ!". Nhưng khi tôi nhắc lại câu chuyện về anh Long, chị Lê-na "giật mình" hỏi: "Ôi, thế anh biết hôm nay là ngày mất của anh Long à?". Tôi đáp: "Làm sao mà tôi biết được? Thề danh dự, sự thật là tôi không biết". Chị Lê-na lẩm bẩm: "Thật thế à? Anh biết không, anh Long rất thiêng, hôm nay 26-2 là ngày mất và cũng là ngày sinh của anh ấy đấy. Không nhẽ linh hồn lại có thật?".
Về phần tôi, tác giả những dòng chữ này, cũng không ngờ đó lại là sự trùng hợp ngẫu nhiên! Thực lòng tôi đã ấp ủ viết một bài về những việc làm tốt đẹp của chị Lê-na dành cho học sinh Việt Nam nói riêng, vun đắp tình hữu nghị Việt-U nói chung. Nhưng vẫn chưa thực hiện được, mãi cho đến ngày mất (cũng là ngày sinh nhật) của anh Long thì như có linh tính nào đó đã "mách bảo" tôi gọi điện cho chị Lê-na để xin phỏng vấn.
Cuối cùng, thay mặt các gia đình Việt Nam có con được cô Lê-na dạy kèm (riêng gia đình tôi có 4 người đang là học sinh của cô, gồm 2 con, một cháu và một người em họ) xin được gửi lời cảm ơn tới chị, chúc chị mạnh khỏe và tiếp tục phát huy những việc làm tốt đẹp vun đắp cho tình hữu nghị giữa cộng đồng Việt Nam và nhân dân địa phương.
Báo “Tuần tin Quê hương”,
|