Đoạt giải nhất kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc năm 2008; giải khuyến khích môn Cơ học lý thuyết trong kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc năm 2008; được Hội Sinh viên Việt Nam tặng giải thưởng Gương sáng sinh viên giai đoạn 2003-2008; khi là du học sinh tại Nga (từ năm 2009 đến nay), giành giải nhất Olympic Toán sinh viên khu vực Matxcơva; 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba Olympic Toán sinh viên toàn Liên bang Nga.
Đó là những thành tích nổi bật của Tạ Đức Tâm, sinh năm 1988, quê ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân (Hiệp Hoà). Phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc trò chuyện với Tạ Đức Tâm.
Chào Tâm, rất vui khi được làm quen với em. Nhìn vào bảng thành tích của em, chị thật khâm phục!
Chị làm em thấy… ngại quá! So với nhiều người con của Bắc Giang, thành tích của em cũng bình thường thôi chị ạ!
Chị còn biết khi học phổ thông, em có nhiều năm là học sinh giỏi toàn diện. Khi là học sinh Trường THPT Hiệp Hoà số 1, em đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì khu vực phía Bắc trong kỳ thi giải Toán trên máy tính casio năm 2006, đoạt giải nhì môn Toán và Hoá học tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học lớp 12. Tại kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006, em đạt 29,5 điểm với điểm 10 môn Toán, 9,75 điểm môn Vật lý và Hoá học… Những thành tích ấy chẳng bình thường chút nào…
Để đạt được những kết quả này, ngoài sự cố gắng của bản thân, em còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo, sự động viên, khích lệ từ gia đình, bạn bè… chứ một mình em chắc chẳng làm được như thế. Em sinh ra và lớn lên ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân (Hiệp Hoà). Bố mẹ em đều là nông dân. Giống như nhiều gia đình nông thôn khác, tuy cuộc sống không lấy gì làm khá giả và cũng không giúp đỡ được em về mặt kiến thức nhưng bố mẹ là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với em.
Không phải ai nỗ lực, cố gắng cũng đạt được kết quả học tập như em, em có bí quyết gì không?
Bí quyết thì em không có chị ạ! Em tự nhận thấy mình luôn tự tin và không giấu dốt. Điều gì không hiểu em hỏi ngay thầy cô. Với lại nên tìm và xác định mục đích cho mình. Có mục đích ngắn và dài hạn rõ ràng sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Nghe cách nói chuyện của em, chắc hẳn em có rất nhiều kỷ niệm về thầy, cô giáo?
Nhiều kỷ niệm lắm ạ! Chị có tin không, bây giờ em có thể kể cho chị về từng thầy, cô giáo cùng với những kỷ niệm từ thời mẫu giáo đến giờ… Các thầy, cô như thầy Tuyển (dạy Toán hồi em học THCS Hoàng Vân), thầy Bình (dạy Toán) và cô Lưu (dạy môn Giáo dục công dân hồi em học Trường THPT Hiệp Hoà số 1) là những người để lại cho em ấn tượng lớn nhất. Bởi lẽ thầy, cô không chỉ dạy kiến thức, khơi dậy sự đam mê học tập, động viên em phấn đấu mà còn chỉ cho em nhiều bài học về cách sống, cách làm người rất quý giá và bổ ích. "Cuộc sống không chỉ có sin-cos" là câu nói của thầy Bình mà em nhớ nhất.

Tạ Đức Tâm ( đứng đầu) cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Bauman (Nga).
Môi trường học tập ở Việt Nam là vậy, còn ở nước Nga thì sao?
Trường em đang theo học là Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Bauman ở Thủ đô Matxcơva. Đây là một trường đại học lớn của Liên bang Nga, nơi có rất nhiều nhà khoa học, nhà thiết kế, phát minh… nổi tiếng đã từng học. Nhìn chung điều kiện học tập, nhất là về cơ sở vật chất thì tốt hơn ở nước mình. Tuy nhiên, em nghĩ điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người phải có ý thức phấn đấu và rèn luyện không ngừng. Còn các thầy, cô giáo ở đây rất tận tình và thoải mái. Hồi mới sang, em nói tiếng Nga còn sai nhiều. Một hôm, em hỏi thầy giáo là: "Vào hai giờ chiều em có thể đến gặp thầy được không?" "Vào hai giờ" phiên âm theo tiếng Nga là "v-dva-tri-sa" rất giống với "va-z-v-ra-tri-sa" (có nghĩa là trở lại) nên thầy cứ hỏi em "cái gì trở lại?". Sau một hồi khoa chân múa tay, giải thích vòng vèo thầy mới hiểu em định nói gì, cả thầy và trò cùng cười. Nói chung các thầy, cô giáo Nga rất nhiệt tình và tôn trọng sự chủ động, sáng tạo cũng như ý kiến của sinh viên.
Đi học ở nước ngoài, thời gian đầu chắc em gặp không ít khó khăn?
Em sang Nga học được ba năm rồi chị ạ, mọi thứ cũng trở nên quen thuộc hơn. Còn thời gian đầu chắc ai ở trường hợp như em cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, ngoại ngữ chưa tốt, khác biệt về văn hoá, không quen thời tiết, lại không có người thân bên cạnh… Nhưng lâu rồi mọi thứ cũng tốt hơn. Hiện tại cuộc sống của em ở đây rất ổn. Chúng em thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể trong các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ hoặc những ngày kỷ niệm như 20-11, 26-3 rất vui chị ạ!
Còn con người nước Nga?
Nói chung con người nước Nga giản dị, tốt bụng và cởi mở. Nhớ hồi mới sang, em hỏi thăm đường đến cửa hàng thực phẩm, một người chỉ cho em là đến ngã ba trước mặt rồi rẽ trái. Chẳng hiểu em nghe thế nào lại thành rẽ phải. Thấy thế người đó liền gọi em quay lại và đưa em đến tận cửa hàng… Sống trong một môi trường với những con người tốt bụng, giản dị ấy em cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương chị ạ!
"Tôi mới chỉ có ít năm sống xa quê hương nhưng đi đâu tôi cũng rất tự hào về truyền thống văn hóa với những phong tục tốt đẹp nơi tôi sinh ra… Càng đi tôi lại càng thấy yêu mến và tự hào về những điều tưởng như rất đỗi bình thường, giản dị ở quê…". Những tâm sự của em về quê hương mà chị tình cờ đọc được thật xúc động!
(Cười) Đó là những dòng tâm sự em gửi cho trang hiephoa.net nhân dịp Tết cổ truyền vừa qua. Quả thực quê hương, gia đình, thầy cô giáo, bạn bè có ảnh hưởng đến mọi việc em làm, những quyết định trong cuộc sống và cả thành công của em nữa. Vạn Thạch quê hương em là một làng quê bình dị. Mọi người sống với nhau rất giản dị và đoàn kết. Có thể do địa lý không thuận lợi nên kinh tế chưa phát triển nhưng điều làm em luôn tự hào và nhớ về quê hương đó là lối sống tình cảm, chân thành và việc duy trì những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại.
Điều gì làm cho em nhớ nhất khi xa quê ?
Khi xa quê, mỗi dịp Tết đến, điều mà em nhớ nhất đó là các lễ hội, thường được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch ở mỗi làng. Có lần em kể cho những người bạn nước ngoài về văn hóa đình chùa ở quê, các hoạt động diễn ra trong lễ hội làng như vật, cờ tướng, cầu lông… họ chăm chú lắng nghe và tỏ ra rất thích thú. Nhất là khi em giải thích về cách tổ chức môn vật trong lễ hội, cái gì là "lèo", thế nào là phá giải nhất, phá giải nhì... Mọi người đều mong muốn một lần được về thăm quê hương em để tham gia các lễ hội. Rồi cuộc sống bình yên với những con người mộc mạc, giản dị, đầy tình yêu thương cũng là điều mà em rất nhớ. Mỗi đất nước, mỗi vùng quê đều có một nét văn hoá đặc sắc khác nhau. Mong rằng mỗi người hãy vì quê hương, vì niềm tự hào đó mà khi đi xa hãy phát huy những nét đẹp truyền thống của quê hương. Riêng với em, những điều đó càng nhắc nhở em phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, xứng đáng là người con của quê hương, gia đình, học trò của các thầy cô và một người bạn chân thành của mọi người…
Em có thể chia sẻ về những dự định sắp tới?
Em sẽ phấn đấu hoàn thành tốt khoá học ở Nga, sau đó sẽ về nước làm việc để được cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Nhân đây em cũng rất mong được làm quen với nhiều bạn ở Việt Nam, nhất là những bạn ở Bắc Giang, nếu ở Hiệp Hoà càng tốt qua địa chỉ: ductam_6@yahoo.com để chia sẻ những thông tin về quê hương, đất nước mình.
Chúc em tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường của mình. Cảm ơn em về cuộc trò chuyện thú vị này!
Hồng Minh (thực hiện)
(theo baonga.com)