Đã lâu lắm rồi tôi không gặp lại anh, bởi tôi thì đi học xa, còn anh học xong phổ thông, đi bộ đội tám năm, đảng viên, xuất ngũ về quê và lấy vợ. Bỗng nhiên anh xuất hiện, đen cháy, trầm tư một cách già nua
Đã lâu lắm rồi tôi không gặp lại anh, bởi tôi thì đi học xa, còn anh học xong phổ thông, đi bộ đội tám năm, đảng viên, xuất ngũ về quê và lấy vợ. Bỗng nhiên anh xuất hiện, đen cháy, trầm tư một cách già nua: Anh vào Vũng tàu làm nghề chèo ghe ở bãi biển đã được ba tháng nay, nay rỗi rãi mới ghé thăm gia đình tôi.
- Thế chị và các cháu thế nào? – Tôi hỏi theo thói quen.
- Hai cháu đứa chín tuổi, đứa sáu tuổi ở với ông bà, còn chị thì lên Hà Nội làm Ô-sin đã bảy tháng nay rồi… Không liên lạc về nhà, chỉ nói chuyện với con được mấy phút qua điện thoại. – Anh nhấp chén trà Bắc đậm chát rồi im lặng.
Tôi bỗng thấy băn khoăn, nhưng không đặt câu hỏi thêm nữa.
Ngồi chơi một lát rồi anh ra về.
Bẵng đi khoảng hai tuần, anh tìm gặp tôi. Anh nhờ tôi tìm cho vợ anh một chỗ làm, chẳng hạn như phụ việc quán cơm phơ, giúp việc nhà…, vì anh định Tết này về quê sẽ bàn bạc chuyện hai vợ chồng vào làm ăn cả trong này. Thấy hợp lý, tôi góp thêm:
- Anh nghĩ phải, đã chấp nhận cả hai vợ chồng bỏ quê đi làm ăn xa thì nên làm cùng nơi. Có giỏ, có hom mới mong tích lũy chút vốn nuôi con cái ăn học…
Có được sự đồng cảm, anh bỗng trở nên cởi mở. Anh kể với tôi rằng mặc dù đã xoay xở đủ kiểu mong vực kinh tế lên, nhưng kiếp nghèo đeo bám anh dai như đỉa. Rồi chị gái anh làm ăn ở Hà Nội chính là người đưa vợ anh đi, nói là lên đó giúp việc cho người ta. Vợ anh vốn sẵn cần cù, lặng lẽ ít lời, làm việc đó được, đồng lương thì ba bốn trăm nghìn một tháng cũng cứu vớt được tình cảnh gia đình lúc này. Chị vợ anh thu xếp ra đi ngay trong buổi chiều đông ấy, như kẻ cùng đinh chạy trốn kiếp bần hàn, sợ rằng cơ hội đổi đời đó sẽ buột mất, vồ lại không kịp. Anh cũng thấy ngạc nhiên vì lần đầu tiên vợ anh đã có một quyết định và lại nhanh đến thế. Nhưng anh ngạc nhiên hơn khi đi rồi, vợ anh không ngoái lại một lần nào nữa dù sau lưng người đàn bà ấy là người chồng đã mười năm chung sống và hai đứa con còn thơ dại. Anh không có cách gì gặp được vợ, dù đã hai lần anh cố công tìm kiếm: một lần bắt chính chị gái mình dẫn đường, một lần tự anh tìm đến và đứng thất vọng hàng giờ trước cánh cổng sắt đồ sộ, nặng chịch của một ngôi nhà sang trọng, nơi người ta chắc rằng vợ anh làm việc trong ấy. Người ta còn nói nhà chủ không cho Ô-sin liên lạc với gia đình, rằng hợp đồng ký đến cuối năm mới hết hạn, bỏ ngang không được. Buồn vì gia cảnh, anh vào đây kiếm tiền nuôi con…Cho nên, dịp này là Tết, anh hy vọng chị sẽ về, vì đơn giản là theo anh “đàn bà xa con thì phải biết nhớ”, rồi “anh sẽ bắt cô ấy nghỉ, hai vợ chồng cùng vào trong này, chồng chèo ghe đưa khách, vợ làm ở quán ăn, làm được đồng nào đã có vợ giữ”.
Anh ngừng lời và cười rất hiền. Một chút hãnh diện thoáng trên khuôn mặt khắc khổ của anh nhờ vào một chút niềm tin của người đàn ông còn đang cố công chèo lái.
Tôi chúc anh về ăn Tết vui vẻ và hứa với anh là sẽ tìm cho vợ anh một việc làm như anh dự định.
Tết xong đã lâu, công việc bộn bề cả ở cơ quan lẫn ở nhà, tôi không có thời gian để đi gặp anh hỏi chuyện.
Hôm nay, anh vào nhà tôi chơi, vẫn đen cháy, trầm tư một cách già nua. Tôi lựa lời:
- Chị đã vào chưa hả anh?
Anh nói mà như nói với chính mình:
- Tết không về nhà, chỉ về quê mẹ đẻ, nhắn hai đứa con đến gặp, nói với chúng là mẹ có chồng khác rồi, không về nữa, đứa nào đi theo thì đi.
- Chỉ có thế thôi sao? – Tôi thốt lên rồi lầm bầm: “Chuyện thật như đùa!”
- Có vậy. – Buông gọn xong câu này anh mới nhìn tôi và gượng miệng cười không thành tiếng…

Anh khoe ghe của anh là một trong số năm chiếc ghe của bãi được cấp số (nghĩa là chính quyền cho phép hành nghề), vì tuy anh gia nhập đội quân chèo ghe rất muộn, nhưng khi xét, người ta thấy lý lịch của anh cựu trung úy quân đội đảng viên này tốt nên chiếu cố. Hai đứa con, đứa lớp ba, đứa sắp vào lớp một, anh nhờ người chị dâu đảm nuôi giúp, hàng tháng anh chắt chiu gửi về dăm bảy chục ngàn đồng.
Ngồi chơi một lúc, anh đứng lên tạm biệt khi trời đã sâm sẩm tối:
- Dạo này tàu vào bờ ít, ghe không có khách, mai anh theo tàu ra khơi đánh bắt theo kiểu ăn chia: được ăn, thua nhịn. Bao giờ có việc anh lại về bãi chèo ghe. Anh nhờ cô nếu nửa tháng nữa anh chưa về bờ, cô gửi cho các cháu một trăm nghìn để đong gạo ăn. Đi về anh sẽ gửi trả lại cô, được không?
Tôi nắm chặt bàn tay anh cứng cỏi và thô ráp:
- Anh đi mạnh khỏe. Em sẽ làm như anh dặn.
Chồng tôi lấy xe đưa anh về, nhưng anh nhất định từ chối, vì “cuốc bộ quen rồi, với lại về bãi sớm quá cũng chẳng làm gì, tám giờ leo lên ngủ nhờ tàu người ta, sáng mai đi”.
Bóng anh sẫm dần rồi khuất hẳn.
Hôm nay thành phố bị cúp điện. Nóng và tối.
Vũng Tàu mùa khô
Doãn Thị Kim Oanh