Tôi là người Việt Nam, tôi sống ở một thành phố có rất nhiều người đến từ các châu lục và quốc gia khác nhau. Người dân địa phương hay chào tôi bằng “Ni Hao!” thay cho “Xin chào!”, điều đó thường xuyên diễn ra khi họ muốn gây ấn tượng với những người nước ngoài như tôi. Những lần như thế, tôi hay cười ngượng và tự an ủi: chắc vì mình sở hữu đôi mắt một mí nên rất dễ bị nhầm với một cô gái Trung Quốc. Nhưng điều đó lặp lại khi tôi đi với mấy người bạn, họ hoàn toàn giống người Việt Nam.
Một lần, vài người bạn Tây của tôi mang quyển vở trang bìa ghi mấy chữ Trung Quốc và nhờ tôi dịch hộ. Tôi là người Việt Nam, ngoài tiếng Anh và tiếng Nga tôi chẳng học thêm một môn ngoại ngữ nào. Họ nghĩ chúng tôi có cùng một nền văn hóa, thậm trí là có chung một ngôn ngữ. Họ biết tới Trung Quốc nhiều qua phim ảnh và báo chí.
Ngôi trường tôi đang học có rất nhiều sinh viên nước ngoài. Và chúng tôi hay tếu táo nói với nhau: “Ở trường mình Tàu là trùm”. Có lẽ một phần vì quan hệ của người đại diện sinh viên Trung Quốc với lãnh đạo nhà trường khá tốt. Trường tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ học tập và nghiên cứu.

Đã là sinh viên thì không có nhiều khác biệt, dù khác dân tộc.
(Ảnh minh họa)
Tôi sống cùng bố mẹ, họ đang kinh doanh tại trung tâm thương mại lớn nhất của thành phố. Hàng hóa gia đình tôi và rất nhiều cửa hàng khác bán ra, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một vài bà con, người quen biết với gia đình tôi gửi con sang Trung Quốc du học, thay vì quan niệm có điều kiện sẽ cho con tới các nước tư bản như Anh, Pháp, Mỹ… Họ nghĩ rằng học bên Trung Quốc mới là hợp thời và có tiền đồ. Bạn bè tôi cũng thi nhau học tiếng Trung, mặc dù có đứa trình độ học vấn mới chỉ tốt nghiệp phổ thông.
Hiện nay vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang là chủ đề nóng bỏng, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế quan tâm. Tôi không đi sâu vào chính trị, tôi cũng không phải là một học giả hay nhà phân tích. Tôi chỉ là một sinh viên. Nhưng những gì tôi cảm nhận được từ cuộc sống thường nhật là người Trung Quốc đang có sự ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Không thể phủ nhận trong những năm gần đây Trung Quốc đã có những bước tiến thần kỳ, đang vươn lên thành một cường quốc. Với 1,4 tỷ dân, GDP đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ) và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong 10 năm liên tục. Việt Nam được thế giới biết đến qua cuộc kháng chiến chống Mỹ vì độc lập tự do. Nhưng khi nhắc tới Việt Nam, đại bộ phận người nước ngoài nghĩ tới một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu.
Và như người ta vẫn nói, người anh to khỏe thường thích bắt nạt những em bé hơn. Nhưng một sự thật đã được chứng minh: “Dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn” - đó là một Cuba bị cấm vận về kinh tế và chính trị, nhưng lại là một cường quốc về công nghệ sinh học, một Iran nhỏ bé phải chịu nhiều sức ép nhưng vẫn không hề khiếp sợ… Và lịch sử Việt Nam đã cho thấy, một dân tộc anh hùng không bao giờ khuất phục trước những kẻ thù lớn mạnh.

Bác Hồ - tấm gương về chủ nghĩa yêu nước, vị dân
Bác Hồ đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Một dân tộc anh hùng không có nghĩa là được tạo hóa ban tặng cho khả năng “bất khả chiến bại”, mà nó phải trải qua quá trình đấu tranh gian khổ. Để có được nền độc lập như ngày hôm nay, thế hệ cha anh đi trước đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Vậy thì thời đại bây giờ, với nền khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, chúng ta sẽ dùng gì để giữ nước ?
Hãy nhìn vào một nước Nhật Bản nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, lại bị thiệt hại to lớn sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng họ được cả thế giới nể phục bởi nghị lực phi thường khi vươn lên trở thành một cường quốc về kinh tế trên toàn cầu, nền khoa học và công nghệ dẫn đầu thế giới. Người Nhật đã cho thấy: trong thời đại bây giờ không có loại vũ khí nào lợi hại hơn tri thức của con người.
Thiết nghĩ rằng, đối với thanh niên, sinh viên, nhiệm vụ đầu tiên là học tập, tiếp thu kiến thức tiên tiến để xây dựng đất nước. Khi Việt Nam trở thành cường quốc thì vị thế của người Việt Nam trên thế giới cũng sẽ thay đổi.
Nhiều bạn sinh viên khi nói chuyện tỏ ra rất bức xúc và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc bằng bất cứ giá nào. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi: “Khi tổ quốc cần bạn sẽ làm gì?” thì phần lớn họ đều đắn đo, một số người trả lời sẽ cầm súng xông pha nơi chiến trận, số khác tìm cách im lặng.
Thực tế buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Đất nước sẽ trông cậy vào đâu?
Nếu như trước đây, sinh viên Việt Nam được nhà nước cử sang Liên Xô học tập luôn là những sinh viên học giỏi nhất, chuyên cần nhất và có tình nghĩa nhất đối với thầy cô, nhà trường. Thì đến nay, tình hình sinh viên Việt Nam tại các trường của Ucraina cũng có khác: nhiều người học kém, vô kỷ luật... Sau khi ra trường, các bạn sẽ làm gì? Đất nước có thể trông cậy vào ai? Và liệu chúng ta có thể cạnh tranh với thế giới về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật hay không?...
Tôi chỉ xin nhắc lại một câu mà Bác Hồ đã từng nói để thay cho lời kết: “Non song Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn vào công học tập của các cháu”.
Sao Việt.
(Báo "Người Việt Kharkov".)
|