Chắt chiu từ gian khó, cộng đồng Việt đã tích cóp từng đồng, và đã đi từng bước đi đầu tiên vững chắc. Họ đã: "Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội; Biết trồng tre đợi ngày thành gậy”. Đất đã không phụ lòng người bền chí, biết vận dụng vào thực tế khi đã có đủ những yếu tố cần thiết, và thời cơ đến, họ đã có những bước nhảy vọt ngoạn mục, như Thánh Gióng đời xưa, đến lúc cần, đã cựa mình vươn vai vụt lớn.
20 mùa tuyết trắng của người Việt tại Ukraina (Phần cuối)
Chắt chiu từ gian khó, cộng đồng Việt đã tích cóp từng đồng, và đã đi từng bước đi đầu tiên vững chắc. Họ đã: "Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội; Biết trồng tre đợi ngày thành gậy”. Đất đã không phụ lòng người bền chí, biết vận dụng vào thực tế khi đã có đủ những yếu tố cần thiết, và thời cơ đến, họ đã có những bước nhảy vọt ngoạn mục, như Thánh Gióng đời xưa, đến lúc cần, đã cựa mình vươn vai vụt lớn.
Phần 3: Thành lập Hội và ốp tại Odessa, công cuộc buôn bán đổi mới từ đây.
Khi buôn bán riêng lẻ, manh mún, người Việt tại Odessa đã chịu nhiều áp lực, bị công an nhũng nhiễu, không ít người bị bắt đi vì giấy tờ tùy thân. Nhớ lại những năm tháng trước đây khi chưa có tổ chức, và mạnh ai người ấy làm. Những ngày đó đã từng có bao nhiêu người Việt đã bị hại, nhiều tài sản từ mồ hôi và công sức bị cướp đi. Đủ các sự vụ trấn lột, cướp tiền bạc tại chợ, tại nhà từ nhiều nhóm lưu manh Tây và Việt gây nên. Có cả những vụ người Việt dùng súng AK truy đuổi nhau khắp thành phố. Không thể để tình trạng này tiếp diễn, một số anh chị ưu tú, có tâm huyết với cộng đồng đã tìm mọi cách thành lập một tổ chức, tập hợp bà con lại để đối phó với nạn gây rối, cướp bóc, và cùng tìm hướng làm ăn mới bài bản hơn, lâu dài hơn, và đúng luật pháp sở tại. Năm 1994 Hội đồng hương Odessa được thành lập, bác sĩ Nguyễn văn Khanh được bầu làm Chủ tịch. Cái mốc lịch sử này như một sự khởi đầu cho sự phát triển chung của cộng đồng cũng như sự thành đạt của các cá nhân ở thành phố cảng Odessa.

Qua bao gian khó và khắc nghiệt của gió tuyết, người Việt ở Odessa đã kiên trì sống và vượt qua để đổi thay thời cuộc.
Cũng từ đây rất nhiều cuộc họp của Hội được tiến hành, với chủ trương được đề ra cùng những “lối đi”, bàn bạc, học hỏi lẫn nhau, đùm bọc nhau để cùng vươn lên. Một số anh chị em ưu tú mở đường đi tiên phong trong các cuộc đầu tư làm ăn mới đầy rủi ro. Khi đạt được một thành công trong vài lĩnh vực nào đó, họ lại họp nhau lại để trao đổi hướng làm ăn, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Người này học hỏi người kia, dìu dắt nhau cùng đi, từng bước đi đầu tiên. Cũng từ đây chợ Tây và ốp Việt được hình thành và trở thành nơi buôn bán và an cư mới của cộng đồng. Người Việt tại Odessa dần chấm dứt cảnh “chợ tạm ven đường” giá rét. Nhờ học hỏi lẫn nhau, đặc biệt sự là an toàn khi có tổ chức, người Việt đã có thêm sự tự tin đầu tư và giàu lên nhanh chóng, nhiều người đã được phong là “soái”.
Cũng như các thành phố khác ở Ukraina, người Việt ở Odessa chủ yếu kinh doanh ở chợ. Chợ trở thành nơi lao động kiếm tiền, nơi gắn bó ngày đêm với bà con không kể mùa đông giá buốt hay mùa hè nắng lửa. Những buổi đầu chợ mới thành lập với giá bán công rất rẻ, BCH nhận thấy đây là một khâu đầu tư có tiềm năng lâu dài, và cũng là để có nơi buôn bán ổn định. BCH đã bàn bạc và hợp sức đầu tư tiên phong, sau một thời gian thấy sự đầu tư công thành đạt và chắc chắn nên thông báo để mọi người cùng noi gương. Cho đến tận bây giờ có khó khăn, những người có công ở Km7 nếu cho suy nghĩ lại chắc chắn họ vẫn làm như vậy, đúng công ở chợ là những con gà đẻ trứng vàng. Những cái công, chỗ bán hàng ở chợ, những ốp tập thể có thể xem như là những "bàn đạp", những "bệ phóng" để cộng đồng người Việt ở đây vươn lên cùng năm tháng.
Đường dây phân phối hàng hình thành. Nhiều người đã mạnh dạn chung vốn đặt hàng với số lượng lớn từ VN bằng đường thủy. Đến những năm 95-97 đã có người đánh cả container hàng may mặc theo đường biển đến Ukraina. Không chỉ đánh hàng từ VN qua, nhiều người Việt lúc đó còn sang Trung quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác nhập quần bò, đồng hồ điện tử, cassette... về Odessa bán kiếm lời. Nhớ lại ở suốt thời điểm ấy, hàng VN còn chưa tìm thấy nhiều đầu ra ở thị trường phương Tây...
Khi làm ăn phát đạt, nhiều người Việt đã đưa con cháu qua để quản lý cũng như bán hàng. Người đi trước kéo người đi sau, và cứ lần lượt như vậy. Phần lớn những người sang sau đều xuất thân từ những miền quê nghèo, ít am hiểu văn hóa và luật pháp bản địa, với vốn tiếng Nga ít ỏi học được từ chợ, buôn bán chụp giật, nói năng lỗ mãng, tiếng Nga thì kém nhưng từ ngữ bậy thì học rất nhanh, hay gây gỗ, nhiều khi còn “chửi Tây như xé giẻ”... đã vô tình tạo nên một hình ảnh không mấy đẹp đẽ trong lòng người Ukraina... Cũng vì mới sang chưa quen với áp lực và khó khăn khi buôn bán ở xứ người, nên họ rất khó hòa nhập. Một số thì ảo tưởng, thấy người đi trước làm giàu có vẽ dễ dàng thì lao vào. Vì tính hơi tham lam, khi làm ăn kém hơn một tý thì đâm ra chán nản, không chịu kém người mà trở nên như vậy. Những người này khi gặp khó khăn, hay vấp ngã họ khó đứng dậy, thối chí, tư tưởng không ổn định, đang làm ăn nhưng lúc nào cũng nhấp nhỏm ý định quay về…
20 năm qua đi và bao nhiêu tình nghĩa
Cộng đồng người Việt ở Odessa đã hình thành và phát triển trên hai mươi năm, nhưng nó chỉ thực sự khởi sắc và thành công từ khi có Hội người Việt Nam. Năm tháng đã qua có bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn, bao thành tựu đáng tự hào nhưng cũng không ít mất mát! Chặng đường đã qua, dưới sự lãnh đạo của Hội, bà con đã đoàn kết xây nên một tổ ấm nơi đất khách quê người. Đến nay, số đông là có bát ăn bát để, có khoảng 20% bà con thuộc loại giàu có, phần lớn trong số còn lại có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn, nhiều cháu đạt kết quả xuất sắc, có cháu còn tham gia đấu võ, thi hoa hậu châu lục và thế giới. Hàng năm, vào các dịp lễ,Tết, BCH Hội đều tổ chức những cuộc gặp mặt để tuyên truyền giáo dục, trao phần thưởng động viên các cháu. Phong trào thi đâu thể thao, giao lưu với thanh niên các thành phố khác được chú trọng và ngày càng có chất lượng tốt hơn.
Từ những buổi đầu, nhận thấy vấn đề giấy tờ tùy thân là một vấn nạn và gây không ít khó khăn cho bà con trong làm ăn buôn bán. Thấu hiểu sâu sắc vấn đề này, BCH Hội đã làm mọi cách giúp bà con"an cư lạc nghiệp": làm giấy tờ tùy thân, giấy tờ buôn bán hợp pháp; cũng như quan hệ tốt với Ban quản lí chợ, với công an, phòng thuế; lập ra các ốp để bà con ở tập trung vừa thuận tiện buôn bán, vừa an toàn cho con người. Những việc làm âm thầm này không phải ai cũng hiểu hết được. Và cũng chính nhờ sự đầu tư tìm tòi, những mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương và trung ương, với Quốc hội nước bạn mà người Việt ở Odessa đã sớm nhận được quyền định cư lâu dài.
Quyết tâm xây dựng Làng Sen và bây giờ Làng Sen B cũng không ngoài mục đích tạo tự ổn định về lâu dài và có chổ đứng trên đất nước bạn. Đây là một sự kiện quan trọng của bà con ở Odessa vì nó không chỉ là nơi giao lưu, trung tâm kinh tế, văn hóa của người Việt mà còn tạo ra sự an toàn trong cuộc sống. Đó cũng là một mốc lớn trong sự phát triển của cộng đồng trên mảnh đất Ukraina.
Người ta hay nói về cái Tâm, Tầm và Tài của một doanh nhân. Còn ở Odessa ta thấy cái Tầm của người lãnh đạo được thể hiện không chỉ ở chỗ làm được một điều gì đó, giải quyết được vài khó khăn mà hóa giải được những mâu thuẫn trong chính nội bộ, tạo ra được động lực tinh thần, và niềm tin cho tất cả mọi người. Cái Tài của họ là khám phá ra những năng lực của con người và sử dụng chúng trên tinh thần kết hợp hài hòa giữa các lợi ích. Đó là cái Tài sinh sôi nảy nở những năng lực chứ không phải ở chỗ tiêu diệt được bao nhiêu kẻ thù, đập tan được bao nhiêu chướng ngại. Khi cái Tài nếu không được điều chỉnh bởi tinh thần văn hóa vì cộng đồng, là cái Tâm, thì có khi nó giải quyết được bài toán mục tiêu của ngày hôm nay nhưng lại gây ra bao nhiêu hậu quả xấu cho ngày mai về khía cạnh đạo đức. Văn hóa trong cái Tài của người lãnh đạo Odessa là họ đã tạo cho người khác những cơ hội gì để họ làm được những điều tốt đẹp cho họ và cho tất cả. Vậy nên Tâm, Tầm và Tài là ba yếu tố đó gói lại trong con người lãnh đạo Odessa, theo nghĩa gắn bó hữu cơ với nhau. Hội đủ cả ba yếu tố trên và tiềm lực kinh tế đã tạo nên một lãnh đạo Odessa vững bước trong bao gian khó cho đến hôm nay.
Hiện tại đang lúc khó khăn là lúc mọi người cố thu vén tiền về chừng nào có thể. Một số cá nhân trong tập thể với toan tính cầu toàn, ích kỷ, chỉ biết lo cho riêng cá nhân mình, chùn bước trước khó khăn. Thì ta thấy qua bao nhiêu năm rồi và giờ đây, vẫn những con người ấy, không ngừng nghỉ, một nắng hai sương theo sát những bước đi của cộng đồng, trong khó khăn cũng như thành đạt. Với tiềm lực kinh tế cũng như năng lực của những người lãnh đạo Hội, họ dễ bề đầu tư kiếm lời ở VN hoặc một hướng mới nhàn hạ hơn, để tránh vất vã trong lúc khó khăn. Nhưng không, những người lãnh đạo đã không làm vậy, dường như trách nghiệm trên vai và tình cảm lớn lao với cộng đồng đã ngấm sâu vào máu họ với một bản lĩnh kiên cường ngay từ buổi ban đầu ấy.
Việt Anh