Lúc mới sang Nga, tôi được một anh bạn căn dặn: “Cậu chớ làm ăn với Tây đầu đen. Bọn ấy không tin được đâu!”. Dân Việt gọi chung những người Trung Á, Cáp ca dơ thuộc Liên Xô cũ là Tây đầu đen, bởi tóc họ cũng đen hệt như ta. Chỉ khác họ to lớn, mũi cao và thẳng như Tây đầu vàng, tức là những người Nga.
A Lim
 |
|
Lúc mới sang Nga, tôi được một anh bạn căn dặn: “Cậu chớ làm ăn với Tây đầu đen. Bọn ấy không tin được đâu!”. Dân Việt gọi chung những người Trung Á, Cáp ca dơ thuộc Liên Xô cũ là Tây đầu đen, bởi tóc họ cũng đen hệt như ta. Chỉ khác họ to lớn, mũi cao và thẳng như Tây đầu vàng, tức là những người Nga.
Bài học đầu tiên anh bạn dặn, tôi nhập tâm rồi thành định kiến. Mặc dù không làm ăn gì với họ, tôi vẫn cứ đề phòng.
Thế rồi, công việc hàng ngày lại bắt buộc tôi phải tiếp xúc với họ. Tôi mở một điểm dịch vụ điện thoại quốc tế ở chợ Vòm, có lúc chật ních dân đầu đen ngồi chờ điện thoại. Đông nhất là dân Adécbaidan, cũng là dân làm tôi khó chịu hơn cả. Bấm máy hàng chục lần may ra mới gọi được một, mất quá nhiều thời giờ làm tôi phát chán. Gọi xong, có người còn cù nhầy cãi gian số phút. Lại có lần, một tay láu cá bảo gọi điện trong Matxcơva, và vì gọi trong “Mat” không tính số phút, chỉ tính cuộc nên tôi bảo: “Tự bấm máy mà gọi”.Thấy hắn loay hoay trong cabin hồi lâu không gọi được, sinh nghi, tôi chạy vào. Bấm nút bộ nhớ, hiện lên toàn bộ số code và điện thoại của thành phố Ba-cu, phát cáu, tôi đuổi thẳng cổ hắn ra ngoài.
Một hôm vắng khách, tôi đang ngồi đọc báo, có gần một chục vị đầu đen đẩy cửa bước vào.
- Điện thoại Adecbaidan không nối được - tôi nói chặn trước.
- Chúng tôi gọi đi Đusanbe cơ - một thanh niên trạc hai mươi nhăm tuổi trả lời.
Thì ra họ là dân Tatdikistan. Tatdích với Dẹc (tức Adécbaizan)có khác gì nhau. Nghĩ vậy tôi bảo:
- Đusanbe cũng không thông.
Chàng trai nài nỉ:
- Nước chúng tôi đang có chiến sự, không biết tình hình ở nhà ra sao. Anh cố bấm máy thử đi. Chúng tôi sốt ruột quá.
Nhìn vẻ mặc tội nghiệp của anh ta, tôi dịu giọng:
- Gọi rất khó. Mà các anh đông thế này, tốn nhiều thời giờ của tôi lắm.
- Chỉ có mình tôi gọi thôi- chàng trai trả lời.
- Có mình anh gọi sao kéo đông thế?
- Chúng tôi cùng quê, góp tiền lại cho một người gọi, hỏi chung cho cả nhóm. Dân cửu vạn không có nhiều tiền để gọi đâu.
- Tôi xem tivi, thấy đánh nhau cách xa Đusanbe, có gì đâu mà sợ
- Gia đình chúng tôi ở chỗ đang đánh nhau. Gọi sang ông anh ở Đusanbe, mới biết được tình hình ở quê.
Hôm ấy, tôi bấm máy hàng chục lượt, cũng chỉ nghe thấy tiếng “tút” dài. Khi máy tút dài, có thể đường dây bên kia không có ai ở nhà. Có thể dây bị cắt, máy cũng tút dài như thế. Hôm sau, hôm sau nữa, chàng trai đó dẫn bạn đến nài nỉ. Không liên hệ được, mặt họ ỉu xìu như phát khóc. Mãi đến hôm thứ năm, đầu dây bên kia mới có tiếng a-lô. Cả nhóm reo lên. Tôi bấm nút vàng cho cả nhóm cùng nghe.
Chiến sự ở vùng quê của họ đã tạm ngưng. Có thiệt hại tài sản, nhưng gia đình họ không có ai dính bom. Tôi rút thuốc mời mỗi người một điếu, chia sẻ niềm vui cùng họ.
Lâu dần thành quen, tôi hay trò chuyện với ALim (chàng trai có ông anh ở Đusanbe, nơi cung cấp tin tức cho cả nhóm) bởi cậu ta có dáng dấp thư sinh, khuôn mặt đẹp trai và nụ cười dễ thương.
Không hiểu do ai giới thiệu, tuần sau Alim đến làm việc ở tầng hầm bán hàng khô và thực phẩm tươi sống của người Việt, cạnh phòng điện thoại của tôi. Công việc chính của cậu ta là quét dọn vệ sinh buổi chiều sau khi tan chợ. Ban ngày, cậu trở thành người sai vặt cho các bà chủ ở tất cả các quầy hàng.
- ALim ơi, đi xách hộ tao xô nước!
- Xe hàng về rồi! ALim lên vác bao gạo xuống đây.
- Bó hộ tao ít rau. Này đừng bó to quá là tao lỗ vốn đấy.
Mỗi người sai ALim làm việc gì đó, không cần mặc cả, muốn trả bao nhiêu thì trả. Lúc rảnh, cậu đứng bán hàng hộ mọi người. Các chị em tầng hầm dạy cậu nói tiếng Việt. Có hôm, một cô nghịch ngợm bảo nhỏ vào tai ALim:
- Mày sang bảo cái Hải: “ Con yêu cụ Hải lắm”. Tiếng Nga nghĩa là “ia che be liu bờ liu” đấy.
ALim khoái chí nói to:
-Con yêu cụ Hải lắm!
Mọi người cười rũ rượi. Đoán là mình bị lừa, ALim đỏ bừng mặt, chạy sang chỗ tôi. Nghe tôi giải nghĩa, cậu ta bảo:
- Hễ họ dạy tôi từ nào bậy, anh bảo tôi nhé. Nói bậy ngượng lắm.
Nhưng có lúc hứng chí, tôi dạy cho cậu ta mấy câu hát ngộ nghĩnh của trẻ con theo điệu “múa sạp”. Hôm sau, lúc rỗi khách, ALim bật ngón tay đánh dịp: “Bà ngồi bà rung đùi. Bà ngồi bà rung chân. Bao nhiêu chiến sĩ hồng quân. Ra đây gãi chân cho bà...”. Cả tầng hầm lại được một trận cười vỡ bụng.
Tôi về Việt Nam nghỉ phép hai tháng, lúc sang không thấy ALim. Hóa ra cậu ta bị ốm, lúc trở lại thì đã có người khác thế chân. Nghe nói cậu ta đang lang thang ở chợ Do Thái, chợ Bê Tông gì đó. Gặp một vị đầu đen đến gọi điện thoại, ngỡ anh ta là dân Tadích, tôi hỏi:
- Anh có biết ALim ở đâu không?
- ALim nào?
- ALim người Tatdích làm cửu vạn ấy.
- Tôi không phải người Tatdích- vị khách có vẻ phật ý. ở chợ này, chỉ có dân Tatdích làm cửu vạn. Người Acmênia chúng tôi chỉ buôn bán, bao giờ cũng làm ông chủ.
Quả thực, ông ta nói đúng. ở khu chợ liên hợp này đã hình thành sự phân biệt một cách tự nhiên. Dân Việt, dânTàu, Ả rập, Xiri... đều là những chủ hàng lớn, hay chí ít là những chủ sạp hàng đứng bán trực tiếp. Đội ngũ cửu vạn, dọn quét chợ hàng ngàn người, từ chợ Bê Tông, Sơn kiệt, KT, AST...đa số là dân Tatdích. Hình như mỗi dân tộc đều có những số phận bi kịch của riêng mình. Người Do Thái tài ba, cống hiến cho nhân loại biết bao nhà tư tưởng, nhà bác học lẫy lừng, lại là dân tộc gần hai nghìn năm không Tổ quốc. Bị đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn năm 70 đầu thiên niên kỷ một, mãi đến tận năm 1948, họ mới được trở về lập nên nhà nước Ixraen. Dân Digan rời bỏ xứ ấn Độ qua Ai Cập, tỏa sang Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, rồi khắp nơi trên thế giới, sống chủ yếu bằng nghề ăn xin và bói toán.Thời xã hội chủ nghĩa, nhà nước Liên Xô gom họ lại, cho họ sống ổn định trong các nông trang hoặc thành phố, cấp cho căn hộ hẳn hoi. Vậy mà họ lại bán căn hộ đi để sống đời lang thang nay đây mai đó như định mệnh. Không hiểu vì sao dân Tátdich lại chuyên làm cửu vạn?
Tôi tình cờ gặp lại ALim vào đúng lúc công an bắt cậu ta lên xe chở về đồn. Thỉnh thoảng công an chặn ở cổng chợ kiểm tra giấy tờ. Ai không có đăng ký hộ khẩu là bị bắt lên xe. Dân Tàu, dân Việt hễ gặp công an là dúi ngay năm chục nghìn đỡ mất thì giờ. Dân đầu đen lì hơn, bị chở về đồn, nộp phạt chỉ mất hơn chục nghìn, nhưng mắt cả buổi trời. Đồn không chỗ chứa, bắt rồi lại thả, khác nào đem cóc bỏ đĩa. Hôm sau, tôi đã thấy ALim xuất hiện ngoài chợ.
- Sao cậu không về nước mà sống, ở đây vất vưởng làm gì? Tôi hỏi.
ALim cười buồn:
- Bố mẹ tôi có những 12 người con. Vì thế mà tôi phải bằng mọi cách kiếm tiền gửi về giúp gia đình. Biết kiếm được đồng tiền là khổ nhục nhưng phải cắn răng chịu đựng, chứ về còn khổ hơn. Tôi là kỹ sư mới ra trường còn thất nghiệp, huống chi là người khác.
Từ trước đến nay, chúng tôi mới chỉ nói chuyện tào lao với nhau. Lần đầu tiên, hôm nay cậu ta mới tâm sự gia cảnh của mình. Hóa ra ALim đã tốt nghiệp Khoa máy cơ khí Đại học nông nghiệp được một năm. Lương kỹ sư chỉ có 25 rúp Tatdích một tháng. Làn sóng đi tìm chân trời mới đã đẩy ALim dạt về chợ Vòm phía đông thành phố Matxcơva. Không có vốn, dânTatdích chỉ biết có con đường làm cửu vạn. Cửu vạn cũng phải có cạ, có nhóm chuyên quét dọn vệ sinh, xúc tuyết. Có nhóm chuyên bốc vác, mấy người chung nhau mua một chiếc xe kéo lớn để chở hàng thuê. Khi có xe hàng đến, phải tranh giành, có khi đánh nhau đòi quyền bốc vác. ALim là dân mới, lúc nào có nhiều hàng nặng quá, những đồng hương của cậu mới cho ghé vào đẩy xe. Có ngày cậu chỉ dám ăn mấy lát bánh mì với hai cái xúc xích khoảng 10.000 rúp cũ. Tối đến, mấy người lại rủ nhau ngủ trong những công ten nơ của khu chợ đang xây dựng dở. Để có chỗ ngủ như thế, cũng phải dúi tiền cho cánh bảo vệ chợ.
Vợ tôi thỉnh thoảng chở một xe hàng ra giao cho những người Việt bán ở chợ Vòm. Nghe tôi kể chuyện ALim, cô ấy bảo:
- Mỗi lần mình chở hàng ra, anh báo trước cho nó một ngày. Nó đứng nhận thầu bốc cả xe rồi rủ cả nhóm đồng hương, thì bọn ấy không gạt nó ra được.
Giúp được ALim theo kiểu ấy cũng chỉ được năm thì mười họa. Hôm nào giao lẻ một hai kiện, tôi lại đến chỗ tập trung của dân cửu vạn, gọi riêng mỗi ALim đi kéo. Khốn nỗi ALim không có đủ tiền để mua xe kéo nhỏ. Cậu ta phải mượn lại xe của người khác. Mỗi lần như thế, cậu phải trả cho chủ xe 5000 rúp. Hôm nào phải chở hàng từ chợ KT sang chợ Cháy, cậu ta lại bị cánh cửu vạn chợ Cháy chặn đường đòi nộp 10.000 mới cho qua vì không có thẻ cửu vạn. Để bù lại, tôi lại cho ALim gấp đôi số tiền dân cửu vạn có thẻ thường chở.
ALim mảnh khảnh, sức yếu hơn những đồng hương của cậu. Những hôm gặp kiện hàng nặng, người cậu ướt đẫm mồ hôi, thở hổn hển. Tôi thấy tội quá, xúm tay vào cùng đẩy. Một hôm, tôi bảo ALim:
- Cậu sinh ra không phải để làm cửu vạn. Thư sinh như cậu, lẽ ra ngồi ở văn phòng mới hợp.
ALim cười buồn:
- Có lẽ tôi sinh nhầm giờ kéo xe, nên thư sinh vẫn cứ phải kéo.
Tôi dẫn ALim đi xin việc ở quán ăn chợ KT, nghĩ rằng cậu ta sẽ đỡ vất vả hơn. Chủ quán là người Việt, quen biết tôi từ trước, gật đầu ngay.
- Anh dịch hộ em, bảo nó là một ngày trả 50 nghìn rúp. Suất ăn trưa, quán sẽ bao. Sáng làm việc từ 5 giờ sáng. Công việc hàng ngày là kéo xe đi lấy nước, gọt khoai tây, nhào bột làm bánh, dọn bàn ghế, rửa xoong nồi. Chịu được thì sáng mai làm luôn.
Năm chục nghìn, lúc ấy cũng được hơn 8 đô. Trừ chi phí các khoản, mỗi ngày cũng có thể dành ra được 5-6 đô gì đó, lại ổn định thu nhập, không thất thường như bốc vác. ALim chịu ngay.
Ba hôm sau, tôi rẽ vào quán xem ALim làm việc ra sao. Chưa kịp hỏi gì, tôi đã nghe chủ quán tồng tộc nói:
- Anh giới thiệu cho em một thằng chẳng ra gì. Em đuổi rồi.
- Sao? Tôi ngạc nhiên- Thằng ấy hiền lành tử tế lắm mà.
- Em bỏ tiền ra không phải để thuê người hiền lành tử tế, mà là cần người biết làm việc. Nó cứ lóng nga lóng ngóng, đụng vào cái gì thì hỏng cái nấy. Hỏng một mẻ bột của em là mất mấy trăm ngàn rồi.
Tôi chỉ biết nhún vai rồi về.
Vợ chồng tôi chẳng biết giúp gì cho ALim nữa. Đợt khủng hoảng vừa rồi chúng tôi cũng liêu xiêu trong vụ “đô” giật như ngựa vía. Hàng hóa tạm ngưng, dân cửu vạn cũng phải nghỉ việc dài dài. Lâu lâu chúng tôi mới ra chợ một lần. Mỗi khi gặp ALim, tôi thường hỏi: “Công việc thế nào?”, cậu ta lại lắc đầu: “Cực kỳ tồi tệ”. Nhìn sắc mặt ALim cũng biết cậu ta đang đói. Vợ tôi rút ra 100.000 đưa cho ALim. Cậu ta tròn mắt: “ Zachem?” rồi từ chối không nhận. Cô ấy cứ dúi vào túi ALim. Lúc sao, chỉ còn hai người, tôi trách:
- Sao em cho nó nhiều thế? Mình cũng đang khốn khổ chứ sướng gì.
Vợ tôi bảo:
- Mình nát giỏ cũng còn bờ tre. Em nghĩ nó cũng là dân trí thức, lâm vào cảnh này cùng cực lắm. Một trăm nghìn bây giờ mất giá, chỉ còn được 5 đô. Anh nhịn mấy bao thuốc lá giúp người ta đỡ đói được mấy ngày. Một miếng khi đói bằng một gói khi no mà.
Mấy hôm nay tuyết rơi mù mịt, quất vào mặt rát buốt, lạnh âm mười bốn, mười lăm độ, buốt thấu xương. Tôi lại gặp ALim đứng run lẩy bẩy, chờ xem có xe hàng nào về để xin bốc vác. Trên người cậu ta chỉ khoác cái áo da đã bợt bạt cũ mèm.
- Áo pantô đâu sao không khoác, làm sao cậu chịu được rét?- Tôi hỏi.
- Chưa gom đủ tiền để mua. Với lại, mặc pantô vướng lắm, không vác được hàng- Vừa trả lời, ALim vừa đưa đôi bàn tay tím tái lên miệng hà hơi vào, rồi xoa xoa cho đỡ cóng.
- Găng tay cũng không có ư?
- Mai tôi sẽ đi mua.
ALim quay mặt đi. Hình như cậu ta xấu hổ khi phải phơi bầy cảnh cùng cực của mình trước mặt người khác. Lòng tôi bỗng dưng như thắt lại. Rút đôi găng tay, tôi bảo ALim:
- Cậu cầm lấy mà dùng!
ALim lắc đầu:
- Anh cho tôi thì lấy gì mà đeo? Mai tôi sẽ mua mà.
- Cầm lấy- tôi gắt lên- ở nhà vẫn còn đôi nữa.
ALim cầm đôi găng tay, rưng rưng nước mắt. Tôi vội bỏ đi thật nhanh, không dám đứng nhìn con người nhỏ bé mong manh gầy guộc ấy đang run rẩy trong gió tuyết.
Châu Hồng Thủy
(theo Hội văn học nghệ thuật tại Liên bang Nga)